ĐỈNH CAO CỦA SỰ THỐNG TRỊ
Bây giờ, TBN là đội bóng duy nhất từng vô địch 3 lần liên tiếp ở 2 giải bóng đá lớn nhất thế giới (EURO 2008, World Cup 2010, EURO 2012). Trước TBN, chỉ có đội Đức từng vô địch World Cup (1974) khi đang giữ ngôi vô địch EURO (1972). Cũng chỉ có đội Pháp từng vô địch EURO (2000) khi đang giữ ngôi vô địch World Cup (1998). TBN không chỉ bắt kịp mà còn tổng hợp được cả hai điều vĩ đại mà đội tuyển Đức và đội tuyển Pháp từng làm.
Bấy nhiêu là đã quá đủ để nói về một sự thống trị. Với Xavi, Andres Iniesta, Carles Puyol, Sergio Busquets, nói chung là các hảo thủ Barcelona trong đội tuyển TBN, còn phải kể đến các ngôi vô địch Champions League 2009 và 2011. Nghĩa là suốt 5 năm liền, họ luôn chiếm ngôi quán quân ở các giải đấu quan trọng nhất thế giới. Nhìn lại toàn bộ lịch sử bóng đá đỉnh cao, không có thế hệ cầu thủ nào khác thành công đến mức độ như thế.
Có sự tương đồng rất cao giữa cách chơi Tiqui-Taca của CLB Barcelona và đội tuyển TBN trong giai đoạn 2008-2012. Tiqui-Taca đáng phục chỗ ấy. Người ta thấy rõ, hiểu rõ cách vận hành của lối đá ấy. Trên lý thuyết, tìm cách khắc phục, chế ngự, thậm chí đánh bại Tiqui-Taca không bao giờ là việc khó khăn đối với các nhà cầm quân lỗi lạc hàng đầu thế giới. Nhưng rút cuộc, vẫn chẳng ai ngăn cản được TBN liên tiếp vô địch World Cup và EURO.
Càng phải nói về sự thống trị của bóng đá TBN là vì vậy. Một trong những chi tiết quan trọng nhất: TBN có hẳn một thế hệ ngôi sao rất xuất sắc, đồng đều và ăn ý, khiến đối phương dù muốn và biết cách vẫn không thể cản bước chinh phục của họ. World Cup 2010 chính là thời điểm mà thế hệ ấy đạt đến phong độ rực rỡ nhất.
PHÒNG THỦ BẰNG CÁCH TẤN CÔNG
Bóng luôn ở trong chân bạn thì đối phương lấy đâu ra cơ hội ghi bàn? Triết lý của Tiqui-Taca chỉ đơn giản như vậy. Nhưng tất nhiên, nói và làm là hai việc hoàn toàn khác nhau. Bản thân đội TBN hoặc CLB Barcelona trước đây cũng chơi như vậy, nhưng đâu có làm ai sợ hãi! Thế nên, phải nhắc lại rằng Tiqui-Taca gây được tiếng vang tại World Cup 2010 vì phong độ của Xavi và đồng đội quá rực rỡ, giống như lối chơi “tổng hợp” của Hà Lan ngày xưa thăng hoa nhờ có thế hệ của Johan Cruyff.
Các chỉ số về tỷ lệ chuyền chính xác hoặc tỷ lệ giữ bóng của TBN tại World Cup 2010 đều cao đến mức gần như không thể tưởng tượng. Xavi chuyền chính xác trên dưới 100 đường bóng mỗi trận. Nguyên nhân không chỉ vì anh chuyền giỏi, mà còn vì các cầu thủ xung quanh luôn di chuyển một cách tuyệt vời để anh có nhiều giải pháp chuyền bóng, vừa chuẩn mà lại vừa dễ.
Cứ thế, các cầu thủ TBN đưa dần quả bóng về phía cầu môn đối phương, kiên nhẫn chờ cho đến khi hàng thủ đối phương lộ ra khoảng trống thì họ khai thác và tạo cơ hội ghi bàn. Điều quan trọng là, đá như vậy thì TBN yên tâm trong lĩnh vực phòng ngự vì đối phương có bóng quá ít. TBN chính là nhà vô địch World Cup duy nhất không hề thủng lưới trong suốt giai đoạn knock-out. Họ cũng chỉ thủng lưới 2 bàn trong suốt giải (cả hai con số vừa nêu đều là kỷ lục World Cup).
Phòng thủ bằng việc giữ bóng nhiều là cách phòng thủ cao cấp mà chỉ có những đội mạnh, hết sức tự tin và có kỹ thuật điêu luyện, đồng đều, mới dám áp dụng. Tính chủ động trong cách phòng thủ này rất cao.
VẪN CÒN ĐẤY NHỮNG TRANH CÃI
Nhiều người chỉ trích: TBN vô địch World Cup 2010 nhưng chỉ ghi được vỏn vẹn 8 bàn trong 7 trận đấu (chưa có nhà vô địch World Cup nào lại ghi bàn ít như thế). Chỉ qua 2 trận knock-out đầu tiên để gặp TBN ở vòng bán kết, đội Đức cũng đã ghi đến 8 bàn, vào lưới các đối thủ rất mạnh là Anh và Argentina.
Khác biệt ở chỗ: TBN ghi bàn ít vì đối thủ nào gặp họ cũng đều phòng ngự một cách thận trọng. Vả lại, như đã nêu trên, TBN chủ trương giữ bóng nhiều còn để phòng ngự chứ không chỉ để tấn công. Khi người ta chỉ trích những đường chuyền “thêu hoa dệt gấm” ở khu giữa sân của TBN là kém hiệu quả vì nó gần như vô hại đối với khung thành đối phương, thì họ quên đi một điều: đấy chính là lúc TBN đang phòng thủ!
Dù sao đi nữa, Tiqui-Taca quả có không ít nhược điểm. Nếu đối phương biết cách buộc TBN cứ... phòng thủ mãi? Đội tuyển Thụy Sỹ của HLV Ottmar Hitzfeld chẳng những không thua mà còn đánh bại TBN ngay trận ra quân. Họ lập ra một phòng tuyến tưởng tượng, cách khung thành khoảng 30m, và đá thật rát, thật chặt, quyết không để con quái vật Tiqui-Taca vượt qua phòng tuyến ấy.
Ngược lại, khi Tiqui-Taca chưa tiếp cận cái phòng tuyến tưởng tượng ấy thì các cầu thủ Thụy Sỹ cũng chẳng cần chơi bóng. Họ để mặc các nghệ sỹ TBN chuyền nhuyễn “vô hại” ở khu giữa sân. Thi thoảng, Thụy Sỹ có bóng sau một nỗ lực tấn công bất thành của TBN. Họ nắn nót, chăm chút trong từng cơ hội quý báu của mình. Và họ ghi được 1 bàn!
Trận đấu không gây ảnh hưởng lớn đến toàn cục, nhưng nó làm bộc lộ những khiếm khuyết trong cách chơi Tiqui-Taca của TBN và khẳng định lần nữa một chân lý tuyệt vời trong bóng đá: không có lối chơi nào là tối ưu. Tiqui-Taca không thể mãi mãi trường tồn. Nhưng ai sẽ hạ bệ TBN, và khi nào?
KẾT QUẢ WORLD CUP 2010 (từ 11/6 đến 11/7/2010, tại Nam Phi)
- Vô địch: TBN
- Á quân: Hà Lan
- Hạng Ba: Đức
- Hạng Tư: Uruguay
- Vua phá lưới: Thomas Mueller (Đức), Diego Forlan (Uruguay), Wesley Sneijder (Hà Lan), David Villa (TBN): cùng có 5 bàn. FIFA trao giải cho Mueller vì đấy là cầu thủ có số đường chuyền thành bàn nhiều nhất
- Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất: Thomas Mueller (Đức)
- Thủ môn xuất sắc nhất: Iker Casillas (TBN)
- Cầu thủ xuất sắc nhất: Diego Forlan (Uruguay)