Nhiều người vin vào đó cho rằng trận tranh giải Ba luôn hấp dẫn. Nhưng cần thực tế, đó là sự hấp dẫn của một trận giao hữu không hơn không kém. Tính chiến đấu, tính một mất một còn hầu như không có. Những đội thua bán kết vào trận với tinh thần thoải mái đá cho vui. Đó không phải là kiểu trận đấu cần phải có tại một kỳ World Cup.
HLV Louis van Gaal đã thẳng thừng tẩy chay trận tranh hạng Ba. Ông đã nói hộ tâm tư của rất nhiều HLV và cầu thủ khác, những người chẳng còn tâm trí đá bóng sau khi phải gánh thất bại ở trận bán kết. Chiếc huy chương đồng (HCĐ) không còn ý nghĩa nhất là với các đội bóng lớn chỉ đặt tham vọng vô địch.
Cú sốc 7-1 trong trận gặp ĐT Đức vẫn còn đè nặng lên đôi chân ĐT Brazil
Tất nhiên với các đội bóng nhỏ, chiếc HCĐ cũng là một mục tiêu cao cả. Chẳng hạn như khi Croatia quyết vượt qua Hà Lan (tranh hạng Ba World Cup 1998) sau chưa đầy thập kỷ họ giành quyền độc lập. Hoặc Hàn Quốc, nước chủ nhà World Cup 2002, xem trận gặp TNK không khác nào một trận chung kết. Có trường hợp, trận tranh hạng Ba trở thành cơ hội cho các cá nhân nâng cao thành tích. Thomas Mueller (2010), Davor Suker (1998), Schillaci (1990) hay Leonidas (1938) đã giành ngôi Vua phá lưới nhờ ghi bàn trong trận tranh HCĐ.
Những trận đấu như trên chỉ là số ít. Điều quan trọng nhất của một trận đấu là động lực hai đội thì lại rất ít hoặc là con số 0. Hầu hết các đội tuyển coi trận tranh hạng Ba là nơi “giải quyết biên chế” cho những cầu thủ ít được ra sân. Người Đức nổi tiếng với sự chuyên nghiệp và tinh thần thi đấu. Thế nhưng trong cả hai trận tranh hạng Ba tại World Cup 2010 và 2006, họ đều cho nghỉ rất nhiều trụ cột.
UEFA đã bỏ trận tranh hạng Ba kể từ EURO 1984 sau khi nhận ra tính chất vô thưởng vô phạt của nó. Nhưng FIFA thì không vì trận tranh hạng Ba World Cup vẫn đem lại thu nhập không nhỏ về quảng cáo, bản quyền truyền hình.