NƯỚC MẮT BRAZIL
Khi Thomas Mueller ghi bàn mở tỷ số, hàng chục nghìn CĐV Brazil có mặt ở bãi biễn Copacabana (Rio) vẫn tin vào một màn ngược dòng. Ngay cả khi tỷ số là 2-0 cho Đức, niềm tin của người Brazil cũng không thay đổi. Họ vẫn nâng ly, vẫn nhảy điệu Samba. Nhưng khi Selecao nhận 5 bàn thua chỉ sau 30 phút, họ chợt nhận ra rằng tất cả đã sụp đổ. Hôm qua, chỉ những đứa trẻ mới sinh chưa biết gì là không rơi lệ tại Brazil.
Ở Porto Alegre, người Brazil rời fan fest ngay khi hiệp 1 kết thúc. Ở Sao Paulo, rất nhiều CĐV tràn ra đường và bắt đầu đốt cờ Brazil ngay giờ nghỉ giữa 2 hiệp. Ở Salvador, bệnh viện địa phương đón hàng trăm ca cấp cứu vì đau tim sau khi Brazil nhận bàn thua thứ 3. Còn tại Copacabana, rất nhiều CĐV Brazil nóng mặt đã đập phá khu fan fest. Nhiều tên trong số đó còn lợi dụng lúc người Brazil hoang mang tột độ để lấy trộm túi xách và đồ trang sức. Khung cảnh rất hỗn loạn và không ngạc nhiên khi bạo động đã xảy ra. Cảnh sát địa phương đã phải nổ súng, dùng cả bom hơi cay để giải tán đám đông hiếu chiến, như cách họ từng trấn áp những cuộc biểu tình trước khi World Cup 2014 diễn ra.
“Tôi không tin vào những gì diễn ra trước mắt mình nữa. Tôi sụp đổ hoàn toàn”, Valeria Mazure, một thầy giáo 67 tuổi ở Copacabana cho biết. “Bị dẫn trước 1, 2 bàn không vấn đề gì. Chúng tôi có thể gỡ 1-1, 2-2. Nhưng 5 bàn thua trắng là một sự sỉ nhục cho một đất nước có truyền thống bóng đá như Brazil”, anh Ribeiro, người có mặt trên sân Mineirao thổn thức. “Đó như một cuộc thảm sát. Tôi muốn tự sát để không phải sống trong cảm giác nhục nhã này”, Pablo Ramoz, ông chủ một cửa hàng sách ở Rio nói.
Càng về đêm (theo giờ Brazil), làn sóng phẫn nộ càng tăng nhiệt. “Thất bại này còn tồi tệ hơn cả Maracanazo 1950. Đó là một thảm kịch quốc gia”, Fernando Hazzan, 28 tuổi ở Sao Paulo cay đắng thừa nhận. Barbosa, thủ môn bị coi là tội đồ trong thảm họa Maracanazo, phải sống trong sự chỉ trích, ruồng bỏ của người Brazil tới tận khi qua đời năm 2000. “Scolari và các cầu thủ của ông ấy cũng sẽ phải chịu điều tương tự như Barbosa”, Hazzan đự doán.
“Tôi có cảm giác người mà tôi yêu mến nhất vừa qua đời”, anh Jorge Cardoso, xem bóng đá ở quá bar khu Paulista, trung tâm Sao Paulo kết luận.
NỖI LO LÀN SÓNG PHẢN ĐỐI TĂNG MẠNH
Ngay từ đầu, người Brazil đã phản đối World Cup 2014. Vài tiếng trước lễ khai mạc, chúng tôi đã có mặt ở một cuộc biểu tình tại Sao Paulo để tận mắt chứng kiến cơn cuồng nộ của dân Brazil. Tổng thống Dilma Rousseff đã từng hy vọng kết quả tốt của ĐT Brazil sẽ giúp bà xoa dịu làn sóng phẫn nộ. Tuy nhiên, giờ thì kế hoạch của bà Dilma Rousseff đã phá sản. Thậm chí, thất bại nhục nhã trước Đức có thể đẩy Brazil vào cảnh hỗn loạn, chìm trong những cuộc bạo động như trước khi giải đấu diễn ra. Chẳng nói đâu xa, theo kênh Globo thì ngay sau khi trận đấu kết thúc, 200 ô tô đã bị CĐV đốt cháy ở Sao Paulo trong 1 cuộc biểu tình.
Dân Brazil vốn dĩ đã không hài lòng với chính phủ của bà Dilma Rousseff vì tăng trưởng kinh tế chậm (năm 2014 chỉ ở mức 1,6% trong khi dự báo ban đầu là 2,3%). Vì thế, không ít kẻ sẽ lợi dụng thất bại của Brazil ở World Cup 2014 để làm mồi lửa gia tăng sự bất mãn. “Dùng World Cup 2014 để kích thích nền kinh tế là sự ảo tưởng. Chúng ta cần trở lại với thực tại. Các nhà chính trị, người dân đã thức tỉnh và sẽ biết phải làm gì trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 10 tới”, chị Cilene Saorin phân tích.
World Cup 2014 đang trở thành thảm kịch quốc gia của Brazil, không chỉ ở khía cạnh thể thao, mà có thể cả ở góc độ xã hội, chính trị!
Gần trăm người bị bắt ở Copacabana
Cảnh sát Rio đã bắt gần 100 người trong cuộc bạo loạn diễn ra ở bãi biển Copacabana. Trong đó, có riêng 7 tên bị bắt vì tội ăn trộm ví và đồ trang sức lúc hỗn loạn.