Không chỉ có Matroska
Chúng tôi thong thả đến một cửa hàng lưu niệm cách sân Luzhniki khoảng 10 phút đi bộ. Đó là một cửa tiệm rất nhỏ, chỉ có 3 con búp bê gỗ (Matroska) ở cổng và không có biển hiệu ghi tên tuổi, rất khó phát hiện. Nhưng tiến vào bên trong, xuống dưới đường hầm, cả một thế giới đồ lưu niệm trên mặt bằng khoảng 200 mét vuông mở ra trước mắt khiến chúng tôi choáng ngợp.
Matroska là con búp bê mang tính biểu tượng quốc gia, đây cũng là mặt hàng được bày bán nhiều nhất trên khắp nước Nga. Tại cửa hàng này cũng vậy, các con Matroska từ lớn đến nhỏ được bày bán tràn ngập cửa hàng, với mức giá dao động từ 12.000 đến khoảng 50.000 rúp (khoảng 4 triệu tới 18 triệu đồng) tùy vào kích cỡ, màu sắc và chất lượng. Bà Natalia, chủ cửa hàng cho hay Matroska là mặt hàng bán chạy nhất tại đây, bất kể thời gian nào trong năm. Ngoài những người Nga, mặt hàng Matroska cũng bán rất chạy cho khách ngoại quốc.
Những mặt hàng ăn theo mùa World Cup đang nở rộ, rất đa dạng về chủng loại như móc gắn chìa khóa, dụng cụ mở bia, đề can dính tường hoặc xe hơi, ly thủy tinh uống nước, bút bi, huy hiệu đeo ngực… Dĩ nhiên, mức giá không hề rẻ chút nào. Một chiếc móc chìa khóa có giá khoảng 500-550 rúp, dụng cụ mở bia giá 625 rúp.
Một mặt hàng nữa mà chỉ mùa World Cup mới có chính là những trái bóng World Cup. Bên cạnh trái bóng Telstar 18 do hãng Adidas sản xuất, tiệm đồ lưu niệm này còn bán nhiều loại bóng khác gắn với hình ảnh của nước Nga cũng như VCK World Cup 2018, từ cỡ nhỏ đến lớn. Phần lớn trong số này được xì hơi sẵn để phục vụ nhu cầu vận chuyển về nước bằng đường hàng không của du khách.
Phóng viên báo Bóng Đá cũng đặc biệt ấn tượng với những chiếc huy hiệu không liên quan đến World Cup, mang hình của các danh nhân. Nhà văn Lev Tolstoy, nhà thơ Alexander Puskin cho tới những nhà lãnh đạo Xô-viết trước đây như Lenin, Stalin luôn hiện diện ở vị trí trang trọng. Bà chủ tiệm Natalia là người rất yêu những giá trị truyền thống của nước Nga, bà rất chú trọng đến việc nâng cao hiểu biết của thế hệ trẻ với quá khứ. Về khía cạnh đó, Natalia không đặt lợi nhuận lên hàng đầu.
Gần sân quá cũng… dở
Được biết, dù nằm ở vị trí rất khuất nhưng đây là một trong những tiệm chuyên về đồ lưu niệm lớn nhất Moscow. Sau khi chọn mua được vài thứ và đang đợi tính tiền, tôi tranh thủ làm cuộc phỏng vấn ngắn với cô nhân viên nói tiếng Anh rất tốt Marina.
Cô nhân viên 24 tuổi này tâm sự rằng World Cup là cơ hội quá tuyệt vời để mọi cửa hàng lưu niệm thúc đẩy kinh doanh. Bản thân cửa hàng này cũng tăng doanh thu trong dịp World Cup, nhưng đó là trong những ngày không có thi đấu. Ngược lại vào ngày có thi đấu tại sân Luzhniki, tiệm trở nên vắng hơn vì rất nhiều đường phố bị cấm, dẫn tới việc các xe chở khách du lịch không thể vào đến, trong khi CĐV quốc tế không phải ai cũng biết đường tìm vào nơi này.
Marina cũng cho hay, thường khách du lịch tới đây mua đồ hay đi theo nhóm với người hướng dẫn viên du lịch dẫn đường. Vì thế việc bất đồng ngôn ngữ không phải vấn đề quá lớn. Tuy nhiên với các nhóm du khách Trung Quốc vốn rất đông đảo ở Moscow, hướng dẫn viên thường chủ định dẫn họ vào các cửa hàng lưu niệm do chính Hoa kiều làm chủ. Khách hàng thường xuyên của tiệm này đến từ Tây Âu và Bắc Mỹ, những người chịu chơi hơn cả trước mức giá đôi lúc đến mức “chóng mặt” tại nơi đây.
Nhờ mối quan hệ của người dẫn đường, tôi được chiết khấu giảm 10% trên tổng hóa đơn. Vậy mà hóa đơn của tôi cũng lên tới hơn 15.000 rúp (khoảng 5,5 triệu đồng). Đó quả là một lần đi tác nghiệp tốn kém, nhưng rất đáng giá!
“Cháy hàng” linh vật và đồng tiền World Cup Theo ghi nhận của chúng tôi, dù là tiệm lưu niệm lớn nhưng nơi đây không hề thấy có chú sói Zabivaka - linh vật của World Cup cũng như đồng tiền 100 rúp đặc biệt hưởng ứng World Cup mà Nga mới phát hành. Bà chủ tiệm Natalia cho biết mặt hàng đó quá “hot” nên hầu như luôn hết ngay từ khâu đặt hàng qua mạng, chứ không thể ra đến cửa hàng. |