Những gì đã xảy ra với Neymar, những gì đã xảy ra với James Rodriguez... mới thực sự đang hủy hoại World Cup. Chúng ta không thể trở lại với thời đại mà bóng đá là môn thể thao tàn bạo mà những ngôi sao lớn bị chặt chém không thương tiếc, thời đại mà Diego Maradona đã phải vận dụng tất cả sự tinh quái, sức mạnh và thậm chí cả chất bị cấm, vì ông đã bị chặt chém một cách tàn bạo trên sân, và mối đe dọa chấn thương, bỏ giải là luôn hiển hiện.
Pha cắn người của Luis Suarez với Giorgio Chiellini thật kinh khủng và anh đã bị trừng phạt xứng đáng. Nhưng vấn đề của bóng đá không phải là cắn người. Cắn người là vấn đề của riêng một mình Suarez. Ngã giả vờ để ăn vạ cũng là hành vi đáng lên án, nhưng các pha quay lại, khả năng áp dụng công nghệ và những án phạt nguội cũng khiến các cầu thủ đã trở nên thận trọng hơn. Những kịch sĩ có thể bỏ lỡ các quả phạt đền xứng đáng tương đương với những quả phạt đền từ trên trời rơi xuống, bởi định kiến từ các trọng tài.
Tuy nhiên, lối đá bạo lực đã là một vấn đề dai dẳng ở World Cup lần này. Brazil sẽ phải chia tay Neymar cho tới hết giải, Rodriguez có thể sẽ không bao giờ được đá tứ kết World Cup nữa, bởi lẽ đây là thành tích tốt nhát trong lịch sử bóng đá Colombia. Quyết định của Brazil triển khai lối chơi cứng rắn với Rodriguez và hệ quả định mệnh của những pha chặt chém với Neymar không khỏi khiến người ta nhớ lại những VCK World Cup 1962 và 1966, khi thế giới không được xem Pele trình diễn cũng chỉ vì một lối đá quá bạo lực.
Suarez cắn Chiellini
Năm 1982, Claudio Gentile của Italia đã phạm lỗi tới 23 lần với Maradona và chỉ bị cảnh cáo một lần (trọng tài người Romania Nicolae Rainea thậm chí rút thẻ với Maradona khi ông than phiền về những vụ tấn công liên tục của Gentile).
Chúng ta tưởng rằng những ngày đen tối đó đã là quá khứ xa vời, nhưng những gì diễn ra ở World Cup 2014 cho thấy chúng ta chưa tiến xa được bao nhiêu. Trận chung kết World Cup gần nhất giữa Hà Lan và TBN thậm chí đáng nhớ nhất bởi quyết định của trọng tài người Anh Howard Webb không rút thẻ đỏ với Nigel de Jong sau một pha vào bóng mà trong môn karate cũng bị cấm với tiền vệ của TBN Xabi Alonso.
Brazil, đặc biệt là Fernandinho, đã cố ý triển khai lối chơi tàn bạo với Rodriguez, dù tiền vệ đang khoác áo Man City còn không ít đồng phạm, những người đã thay phiên nhau lao cả hai chân vào ngôi sao lớn nhất của đối thủ. Đáp trả là pha vào bóng hiểm ác của Juan Zuniga với Neymar, khiến anh hoàn toàn đổ vỡ, theo đúng nghĩa đen. Khi ngôi sao lớn nhất của bóng đá Brazil rời sân bất động, bằng máy bay trực thăng, ranh giới giữa chất đàn ông và bạo lực tàn nhẫn đã bị vượt qua.
Tình huống De Jong đạp thẳng vào ngực Alonso
FIFA sẽ không xin ý kiến của Maradona. Ông là một kẻ bị nhà chức trách căm ghét, nhưng El Diego đã để lại những bài học đắt giá. Ông dùng ma túy và thuốc tăng cường khả năng vận động không chỉ để giải trí, mà còn bởi cơ thể ông đã kiệt quệ sau quá nhiều chấn thương dai dẳng. Tất nhiên, điều đó chẳng thể biện minh cho Maradona, nhưng có một thực tế phải thừa nhận: bóng đá đã quá dung dưỡng cho bạo lực.
Thật đau lòng nếu Neymar cũng phải trải qua điều đó (những chấn thương, không phải việc dùng ma túy), nhưng Brazil cũng nên tự trách mình. HLV của họ Luiz Felipe Scolari đã tuyên bố trước trận gặp Colombia là đội bóng của ông “quá tử tế” và úp mở sẽ chơi bẩn hơn ở trận gặp Colombia.
Nhưng ngay cả với cảnh báo đó, trọng tài đã không đủ mạnh tay. 41 phút và 7 giây đầu tiên trận Brazil-Colombia, cầu thủ 2 đội đã phạm 54 lỗi, tức cứ 45 giây trọng tài lại nổi còi! Đó là một thống kê đáng hổ thẹn. FIFA là LĐBĐ thế giới, không phải liên đoàn đô vật và võ cổ truyền.
Sự xấu xa và cái ác đang trở lại mạnh mẽ trên các sân bóng, không rõ vì lý do gì. Có thể là do những quan tâm thương mại, khi các nhà tài trợ muốn các trận đấu phải ngoạn mục, mỗi bên còn đủ 11 người. Nhưng liệu điều đó có đáng giá bằng việc chúng ta tiếp tục được xem Pele, Maradona và Neymar chơi bóng?