Tình huống ở bảng G đặt Đức và Mỹ vào thế chỉ cần hòa là dắt tay nhau đi tiếp. Không cần phải là những quốc gia có ràng buộc mật thiết như hai đội, bất kỳ ai rơi vào tình thế này cũng buộc phải toan tính, những toan tính thuần túy về chuyên môn chứ không hề mang ý nghĩa tiêu cực.
Nếu “dĩ hòa vi quý” vào trận, cả hai sẽ có một cuộc tổng duyệt vô cùng quý báu trước khi bước vào vòng knock-out. Họ có thể thử nghiệm lối chơi, đồng thời bảo toàn lực lượng. Còn nếu căng sức đá, chọc giận đối phương, cầu thủ nóng máu, trận đấu lập tức trở nên căng thẳng, chuyện chấn thương và thẻ phạt là điều không ai ngờ trước được. Vì thế dù không nói, ắt hẳn hai HLV Juergen Klinsmann và Joachim Loew đều đã nghĩ đến việc: “Hay là hòa nhỉ?”.
EURO 2004, Thụy Điển và Đan Mạch bắt tay nhau để loại Italia ngay từ vòng bảng. Và như ta đã biết: Đan Mạch và Thụy Điển là hai đối thủ truyền kiếp của bán đảo Scandinavia, có truyền thống gặp nhau là đá chí chết. Nhưng trước tình huống ảnh hưởng trực tiếp đến tấm vé vào vòng knock-out, họ buộc phải tỉnh táo và tạm gác mối thù qua một bên. Người Italia có trách thì trách chính họ đã không giành được lợi thế trước lượt đấu cuối. Việc họ mất quyền tự quyết hoàn toàn không phải lỗi của 2 đội Bắc Âu.
Tình huống tương tự đang tái hiện tại bảng G của World Cup 2014. Bồ Đào Nha và Ghana đã tự đẩy mình vào thế khó sau 2 trận đầu tiên và chính họ cũng biết cơ hội đi tiếp là rất mong manh. Tiên trách kỷ, hậu trách nhân, nếu Cristiano Ronaldo và các đồng đội ra về sau vòng bảng thì đấy là lỗi của chính họ, của sự chuẩn bị không chu đáo cho giải đấu chứ không phải của người Đức hay người Mỹ.
Đan Mạch và Thụy Điển có thể ghét bỏ thù riêng, Mỹ và Đức thì hoàn toàn không thù ghét gì nhau. Thậm chí giữa họ còn có một thứ “tình thương mến thương” rất rõ. Loew từng là trợ lý, nói theo ngôn ngữ bình dân là... đàn em của Klinsmann thuở trước. Chẳng cần gọi điện hay dùng bất kỳ liên lạc gì, giữa họ là một mối dây ràng buộc đặc biệt. Nếu Klinsmann muốn hòa, có lẽ Loew sẽ cảm nhận được điều đó mà không cần ai phải nói ra.
Khi Klinsmann dẫn dắt ĐT Đức ở World Cup 2006 và tạo ra một cuộc cách mạng về hình ảnh nơi đội bóng này, người ta thấy rất rõ dấu ấn Mỹ. Một Klinsmann sống ở Mỹ và áp dụng những phương pháp tập luyện đầy tính khoa học của người Mỹ là điều mà truyền thông Đức đã nói rất nhiều thời gian ấy. Bây giờ Klinsmann lại cầm quân cho chính đội tuyển Mỹ. Trong đội hình Mỹ có 5 cầu thủ gốc Đức, 4 trong số đó đang chơi bóng tại Bundesliga. Tức là đêm nay, một đội Đức có chất Mỹ và một đội Mỹ đầy chất Đức sẽ chạm trán nhau.
Nếu, xin nhắc lại là nếu Mỹ và Đức có nương nhau và cùng vào vòng 1/8, không ai có thể trách họ, kể cả FIFA. Đấy không phải là tiêu cực theo kiểu dàn xếp tỷ số. Đấy chỉ là một chiến lược “thông cảm” theo kiểu cả hai cùng có lợi. HLV Klinsmann bảo Mỹ luôn đá hết mình, nếu không Mexico đã không có mặt tại World Cup.
Nhưng tình huống ở cuối vòng loại và bây giờ khác nhau. Nếu Mỹ “manh động” và bị dính đòn của Đức rồi bị loại, ông sẽ không tránh khỏi những lời trách móc. Nếu là Klinsmann và Loew, bạn sẽ nói với học trò những gì?