Hậu quả là đội Colombia của anh - khi ấy đang được đánh giá rất cao, thậm chí được Pele dự đoán là sẽ vô địch World Cup 1994, phải xách va ly về nước ngay sau vòng bảng. Hậu quả liên quan đến cuộc sống của Escobar được thế giới nhớ đến nhiều hơn là hậu quả chuyên môn trong bóng đá. Vâng, ai cũng biết rằng Escobar đã bị bắn chết sau đó ít ngày ở Colombia. Anh lãnh trọn 12 viên đạn từ cự ly gần, trong bãi đỗ xe của một nhà hàng ở Medellin. Đi kèm theo mỗi phát đạn chát chúa là một câu gằn giọng: “Này thì đá phản! Này thì đá phản”.
Chi tiết liên quan đến loạt trận tối nay tại World Cup 2014: đối thủ của Escobar và Colombia trong trận cầu định mệnh ngày 22/6/1994 chính là đội Mỹ mà cả thế giới khi ấy chỉ nhìn bằng nửa con mắt. Quả thật, việc thắng Colombia để rồi sau đó vượt qua vòng bảng World Cup 1994 là một kỳ tích của đội tuyển Mỹ trong kỷ nguyên hiện đại, một chiến thắng lịch sử.
Gọi là lịch sử vì đấy là chiến thắng duy nhất của đội tuyển Mỹ trên đấu trường World Cup trong vòng hơn nửa thế kỷ, tính từ sau trận thắng Anh tại World Cup 1950 đến trước trận thắng BĐN tại World Cup 2002.
Vâng, sau trận thắng đầy bất ngờ trước Colombia vào ngày 22/6/1994 thì Mỹ phải chờ thêm 8 năm để có một chiến thắng khác, và nạn nhân của họ khi ấy chính là BĐN của “thế hệ vàng” gồm toàn các danh thủ lừng lẫy như Rui Costa, Luis Figo, Joao Pinto, Fernando Couto... Từ trận thắng oanh liệt này, Mỹ tiến luôn đến vòng tứ kết World Cup 2002, thành tích mà các đội mạnh như BĐN, Pháp, Italia, Argentina... khi ấy đều không sánh được.
Hôm nay là cột mốc tròn 20 năm để giới hâm mộ Escobar tưởng nhớ pha đốt lưới nhà định mệnh tại World Cup 1994. Nhưng khi bàn về đối thủ của Escobar là đội tuyển Mỹ, thì có lẽ những người sốt ruột nhất trong hôm nay lại là người BĐN, chứ không phải người Colombia. Cả một “thế hệ vàng” xuất sắc và đồng đều của Rui Costa và Luis Figo còn phải khóc hận trước đội tuyển Mỹ, huống hồ là “BĐN của mỗi Ronaldo” tại World Cup này.
BĐN thua Mỹ và bị loại khỏi World Cup ngay sau vòng bảng? Đấy là điều hoàn toàn có thể xảy ra, cho dù đấy sẽ là kết cục đau đớn cho Cristiano Ronaldo - ngôi sao số 1 thế giới trong năm 2013. Không thể phủ nhận tài năng của Ronaldo. Nhưng, hơn ai hết, chính Ronaldo hiểu rõ thế nào là sự hạn hẹp của những “đội bóng 1 người”. Suy cho cùng, Ronaldo và đồng đội vượt qua vòng đấu play-off để lấy vé đi Brazil chủ yếu là do đối thủ của họ cũng thuộc mẫu “đội bóng 1 người”: đội Thụy Điển với Zlatan Ibrahimovic là ngôi sao duy nhất.
1 thì vẫn nhiều hơn... 0? Chính xác. Nhưng đấy là toán học, chứ không phải bóng đá. Đội bóng không có ngôi sao Costa Rica đã tiễn “Tam sư” Anh về nước, giờ đang chờ xem Italia hay Uruguay trở thành nạn nhân thứ hai. Đội bóng không có ngôi sao Chile cũng đã tiễn TBN về nước. Có vẻ như đấy là một xu hướng quan trọng tại World Cup 2014 này. Và đội tuyển Mỹ đang đe dọa sẽ kéo dài xu hướng ấy bằng việc loại BĐN ra khỏi cuộc chơi.