Ngay khi lấy đủ bằng cấp cần thiết, Pinto tìm cách tiếp cận Gabriel Ochoa Uribe - một HLV huyền thoại trong làng bóng Colombia. Ông cố thuyết phục để được Uribe nhận làm trợ lý, rồi tranh thủ học nghề.
Carlos Alberto Parreira và Luiz Felipe Scolari là các HLV danh tiếng khác mà Pinto từng tranh thủ học, chẳng khác gì chuyện Mourinho tiếp cận Bobby Robson và Louis van Gaal để tranh thủ học hỏi trong các chức danh mang tính phụ việc.
Không đủ tài năng để chơi bóng, nhưng Pinto đặc biệt say mê các chiến thuật trong bóng đá. Ông luôn tự nghiên cứu cách chơi của các đội bóng lớn và không bao giờ chán việc tìm hiểu lý thuyết bóng đá. Suốt 5 kỳ World Cup gần đây, Pinto luôn có mặt tại chỗ để ghi chép và tự phân tích những gì ông tận mắt xem.
Người ta từng gọi Pinto là “Mourinho của Costa Rica”, hoặc xếp ông vào “trường phái Mourinho”, theo nghĩa đấy là loại HLV vươn lên bằng sự say mê bóng đá, am hiểu lý thuyết, có chí hướng riêng và rất quyết đoán trong con đường đã chọn.
HLV Jorge Luis Pinto xuất sắc giúp Costa Rica vượt qua bảng tử thần
Với họ, bóng đá là chiến thuật, là cách chơi toàn đội hơn là tài năng của các ngôi sao. Thật ra, ở một mức độ nào đó, Pinto còn đáng nể hơn Mourinho. Pinto phải triệt để khai thác sự nhạy bén về chiến thuật khi dẫn dắt đội tuyển Costa Rica, chứ ông không thể tìm mua ngôi sao và bổ sung vào những vị trí còn yếu trong đội của mình như cách Mourinho huấn luyện các CLB.
Bàn kỹ về sức mạnh của đội Costa Rica tại World Cup này có thể sẽ khiến người ta cảm thấy nhàm chán, bởi trước sau đều chỉ là các bài bản chiến thuật. Cách vận hành và hoán chuyển đội hình từ 5-2-2-1 sang 3-4-3 được các cầu thủ Costa Rica tập đến mức độ nhuyễn nhừ.
Các tuyển thủ Costa Rica đều ý thức rất rõ sự nguy hiểm khi đẩy cao đội hình, phòng thủ từ xa, nhất là trong hoàn cảnh các trung vệ đều không có tốc độ tốt. Nhưng họ vẫn tin tưởng tuyệt đối vào cách chơi như thế. Họ tin vào HLV Pinto, và họ hiểu rõ ông giỏi không kém các bậc thầy chiến thuật trong trường phái phòng thủ thật cao như Andre Villas-Boas hoặc Arrigo Sacchi. Cách phòng thủ tuy mạo hiểm nhưng “đúng sách” đã giúp Costa Rica trở thành một trong 3 đội thủng lưới ít nhất vòng bảng (1 bàn cùng với Mexico và Bỉ).
Chỉ cần nhớ một điều quan trọng: rơi vào “Bảng Tử thần” cùng 3 cựu vô địch World Cup là Uruguay, Italia, Anh, Costa Rica còn có thể trông cậy vào điều gì khác hơn là các bài bản chiến thuật của HLV Pinto? Và khi một đội không có ngôi sao như Costa Rica xếp trên cả ba đối thủ cực mạnh ấy, thì nguyên nhân số 1 dứt khoát phải là tài nghệ của HLV Jorge Luis Pinto!