Bóng Đá Plus trên MXH

Ghi chép từ Brazil: Hú hồn vì bạo loạn
VIỆT CƯỜNG (từ Brazil) • 07:37 ngày 14/06/2014
Biểu tình và bạo loạn đã xảy ra trên đường phố Sao Paulo trước trận khai mạc Brazil - Croatia. Tôi từng nghĩ mình sẽ không thể lành lặn mà rời khỏi đó được. Ấy khi cảnh sát chống bạo động mở một đợt tấn công mạnh để đẩy lùi những phần tử quá khích, và họ với chiếc dùi cui trên tay đã vụt tới tấp vào bất kỳ ai gặp trên đường...

    “CHẾT” VÌ... TÒ MÒ
    Chính tôi là người đã tự lôi mình vào đống rắc rối ấy. Mặc bác lái taxi tốt bụng hết lời can ngăn, tôi vẫn nằng nặc đòi quay lại để xem chuyện gì đang xảy ra ở con phố gần ga tàu điện ngầm Matilde, thay vì đến Fan Fest để xem trận khai mạc Brazil - Croatia. “Biểu tình đấy, bạn tôi. Không nên vào đâu”, bác tài cố níu kéo lần nữa, trước khi buộc phải lăn bánh vì cảnh sát không cho dừng lâu. Biểu tình ư? Càng tuyệt. Đó chẳng phải là một trong những lý do khiến tôi háo hức (với không ít e ngại) muốn đến Sao Paulo hay sao?

    Cuộc biểu tình mà tôi gặp lần này không khác lắm so với những gì tôi đã biết qua báo chí. Ban đầu chỉ là có một nhóm khoảng 40-50 người tuần hành trong hòa bình. Người ta đi dọc con phố hướng về sân Sao Paulo, giơ các biểu ngữ phản đối chính phủ lấy tiền tổ chức World Cup, và kêu gọi tẩy chay giải đấu. Nhưng bầu không khí càng ngày càng nóng sau khi những phần tử mặc áo đen đeo mặt nạ - “Black Bloc” - xô đổ cột chỉ đường, đốt các bốt điện thoại, và đặc biệt là ném đá về phía cảnh sát. Hành động sau cùng này đã khiến cảnh sát quyết định hành động. Họ liên tục bắn đạn cao su, đạn hơi cay và lựu đạn khói về phía đám đông, trước khi mở những đợt tấn công trấn áp.

    Những nhân vật chủ chốt của cuộc biểu tình

    KHỔ NHẤT PHÓNG VIÊN
    Trong “cuộc chiến” này, khổ nhất là cánh phóng viên, những người đứng giữa hai làn đạn theo đúng nghĩa đen. Đúng ra là chúng tôi cũng không có lựa chọn nào khác: Đứng bên cảnh sát thì “ăn” đá, còn đứng bên những người biểu tình thì “ăn” hơi cay, thậm chí cả dùi cui. Nhưng đứng giữa cũng không yên. Cứ tiến lên được ít bước lại phải chạy toán loạn về sau để tránh đạn. Vì nếu chậm chân hay không may đứng gần chỗ đạn nổ, ngoài việc bị ảnh hưởng bởi khói cay, chúng tôi còn có nguy cơ dính phải mảnh vỡ của lựa đạn. Đã có ít nhất hai đồng nghiệp của chúng tôi bị loại khỏi vòng chiến vì điều này.

    Những người biểu tình bẻ cột chỉ đường và đốt những gì họ tìm thấy

    Đạn hơi cay quả không hổ danh là chuyên gia giải tán đám đông. Hôm qua, cứ sau mỗi tiếng nổ đinh tai nhức óc là tôi lại thấy mắt cay không mở nổi, trong khi cổ họng thì như nghẹt lại. Các bạn phóng viên nước ngoài có vẻ nhiều kinh nghiệm trong chuyện này nên đã chuẩn bị rất đầy đủ, từ bảo hộ tay chân, bảo hộ đầu tới mặt nạ chống độc. Nhưng nếu đứng gần chỗ đạn nổ thì vẫn bị ảnh hưởng như thường. Bản thân tôi có 2 lần bị hơi cay “loại khỏi vòng chiến “, và phải nhờ sự hỗ trợ (đổ dung dịch rửa vào mắt và miệng) của các thành viên trong nhóm y tế tự nguyện mới có thể trở lại tác nghiệp.

    Việc “đứng giữa hai làn đạn” còn dẫn tới một nguy cơ còn đau đớn hơn nhiều: “ăn” dùi cui của cảnh sát. Để chiếm được những vị trí quan trọng và đánh bật nhóm “Black Bloc”, cảnh sát lâu lâu lại mở một đợt tấn công trấn áp. Những lúc như thế, họ sẵn sàng vụt dùi cui vào bất kỳ ai đứng trên đường. Giải pháp tốt nhất là chạy thật nhanh sang đường khác; trong trường hợp chậm chân, phải nép mình vào cổng ngôi nhà gần nhất; và cuối cùng, tệ nhất, thì cúi xuống và ép sát người vào tường. Trong một đợt tấn công như thế của cảnh sát, tôi chỉ kịp cúi người thì “cạch”, tiếng dùi cui chát chúa vang lên ngay bên tai. Hú hồn!

    PV của AP bị toạc chân phải chăm sóc

    Sau khoảng hơn 2 tiếng, cảnh sát cơ bản đã xử lý xong vụ biểu tình. Thiệt hại nặng nhất cuối cùng lại thuộc về cánh phóng viên. Hai phóng viên của AP bị mảnh vỡ của đạn cay găm toác cả chân, còn nhà sản xuất Barbara Arvanitidis của CNN thì phải rời hiện trường trên cáng vì bị gãy tay. Tôi ngoài lần “hú hồn” vì “ăn” dùi cui... hụt cơ bản chỉ thấy khổ vì hơi cay, nhưng nếu có bị gì nặng hơn thì tôi cũng vui vẻ chịu, vì những trải nghiệm nghề nghiệp như thế đâu phải khi nào cũng có...

    Biểu tình vô hiệu
    So với các cuộc biểu tình trước, cuộc biểu tình sáng qua được xử lý khá gọn. Cảnh sát thậm chí xuất hiện trước khi cuộc biểu tình diễn ra. Một số người tham gia biểu tình nói rằng họ còn chưa kịp hô câu khẩu hiệu nào thì đã thấy cảnh sát tới rồi. Vì cảnh sát xuất hiện sớm, nên cuộc biểu tình đã không thể mở rộng quy mô như mong muốn của những người tổ chức. Điều tương tự cũng xảy ra ở cuộc biểu tình diễn ra ở ga tàu điện ngầm. Đó là lý do giao thông trước và sau trận khai mạc vẫn thông suốt, không có CĐV nào than phiền là không thể tới được SVĐ cả!
    Bình luận

    Đón đọc Đặc san EURO 2024 DUY NHẤT TẠI VIỆT NAM.
    Với 116 trang, thiết kế sang trọng, in 4 màu CHẤT LƯỢNG CAO.

    • Tất cả thông tin bạn đọc cần biết về EURO 2024.
    • Những nội dung đặc sắc, bài viết độc quyền của nhà báo thường trú tại châu Âu và các cây viết thể thao hàng đầu ở Việt Nam.
    • ĐẶC BIỆT: Tặng kèm Lịch thi đấu EURO 2024 khổ lớn.
    • Giá: 98.000 đồng.

    ĐẶT MUA NGAY
    Cùng chuyên mục
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội