Điều gì gây ấn tượng mạnh nhất ở ĐT Pháp sau 2 trận đầu tiên? Tờ France Football đặt câu hỏi đó với 3 cựu danh thủ Pháp và hiện là các bình luận viên nổi tiếng, gồm Alain Giresse, Eric Carriere và Alain Roche. Sau một hồi bàn luận, cả 3 đi đến kết luận: Sự điềm tĩnh. Nghe thì như là đánh giá của các chuyên gia tâm lý hơn là các chuyên gia bóng đá. Nhưng Alain Giresse, một thành viên bộ tứ nổi tiếng thời Platini, giải thích: “Sự điềm tĩnh ở đây thể hiện ở chỗ, khi bước vào sân, các thành viên Les Bleus dường như đã biết hết mọi thứ họ cần làm và kiên nhẫn để đạt được mục tiêu. Xem 15 phút đầu trận gặp Thụy Sỹ sẽ thấy điều đó”.
HLV huyền thoại bóng đá Ý, Arrigo Sacchi từng nói ông “chẳng biết gì về chiến thuật cả”. Theo Sacchi, chiến thuật không quan trọng bằng ý tưởng. AC Milan của ông từng thống trị bóng đá châu Âu những năm đầu 90 thực ra là chẳng chơi theo chiến thuật nào. “Mọi người thường miêu tả hệ thống của chúng tôi là 4-4-2 và pressing. Thực ra, khi tấn công, chúng tôi là 4-5-1, là 3-1-6, khi phòng ngự là 5-4-1 hoặc 5-3-2. Chúng tôi chỉ có cái bất biến là ý tưởng, mà sau này Ancelotti miêu tả trong một cuốn sách, đó là khi vào sân chúng tôi không chỉ biết tất cả những gì mình sẽ làm mà còn biết cả những gì đối thủ sẽ làm”.
Didier Deschamps chịu ảnh hưởng lớn từ 2 người: Arrigo Sacchi và Michel Platini. Ở Platini là nghệ thuật quản quân trong phòng thay đồ còn ở Sacchi chính là ý tưởng chơi bóng. Quá sớm và quá rủi ro để nói liệu Deschamps sẽ thành công được như Sacchi hay không, dù chỉ một phần, nhưng nhìn vào ĐT Pháp hiện tại, thì có vẻ như Deschamps đang đi đúng hướng. Cái mà Deschamps đang muốn xây dựng ở Les Bleus không phải chỉ là một đội bóng chơi tốt với 4-3-3 hay 4-2-3-1 mà là một đội bóng tất cả như một, luôn chơi pressing và hướng về phía trước, theo hình mẫu Milan ngày trước.
Trận thắng Thụy Sỹ, ngoài tỷ số rất gây phấn khích, còn cho thấy một khía cạnh thú vị khác về sự tiến bộ trong đội bóng của Deschamps. Paul Pogba, người từng được coi gần như không thể thay thế trên hàng tiền vệ, phải nhường chỗ cho Moussa Sissoko. Có hai nguyên nhân: Deschamps trừng phạt thái độ bốc đồng của Pogba trong trận gặp Honduras, nhưng quan trọng hơn, Deschamps cho thấy ông có rất nhiều phương án. Sissoko, với lối chơi thiên về phòng ngự hơn Pogba, vẫn đóng góp rất nhiều cho tấn công. Tương tự ở phía trên, Giroud thay Griezmann nhưng hàng công vẫn hoạt động trơn tru.
Mấu chốt ở đây, như bài học về AC Milan mà Deschamps nhắc lại sau trận thắng Thụy Sỹ, đó là mọi cầu thủ đều phải tham gia vào cả tấn công lẫn phòng ngự. Báo chí Pháp bắt đầu rụt rè nói đến từ “tổng lực” nhưng Deschamps bác bỏ ngay mà chỉ thừa nhận rằng ông muốn xây dựng một hệ thống mà mọi cầu thủ đều ngay lập tức thích ứng được khi vào thay thế. Một cách khách quan, chấn thương của Franck Ribery đã thúc đẩy ý tưởng này được thực hiện nhanh hơn.
Trận đấu đêm nay với Ecuador sẽ làm rõ hơn mức độ thuần thục trong triết lý chơi bóng mới của Les Bleus bởi theo logic, Deschamps có thể tung vào sân nhiều cầu thủ dự bị khi Pháp gần như chắc chắn giành vé vào vòng 1/8, thậm chí là ngôi đầu bảng. Deschamps từng nói “khi đội bóng chơi dở, một ngôi sao cũng sẽ tầm thường, khi đội bóng chơi tốt, một cầu thủ bình thường cũng thành ngôi sao”. Les Bleus, chính là đang vận hành theo tư duy đó.