Sau màn trình diễn chưa thuyết phục trong 120 phút với Algeria, đúng là Đức xứng đáng hứng “gạch đá” từ cả giới chuyên môn lẫn NHM. Thầy trò HLV Joachim Loew xứng đáng bị chỉ trích về lối chơi. Nhưng nếu xét về kết quả thu về là tấm vé tứ kết thì trung vệ Per Mertesacker vẫn có thể phản biện: “Chẳng lẽ các bạn muốn thấy chúng tôi chơi cống hiến để rồi bị loại hay sao?”.
Phản biện ấy của Mertesacker không hẳn là “cãi cùn”. World Cup 2010, Mertesacker và đồng đội đá “siêu quyến rũ” khi lần lượt nghiền nát Anh 4-1 và Argentina 4-0 nhưng lại gục ngã 0-1 trước Tây Ban Nha ở bán kết. Cũng kỳ World Cup ấy, TBN đã lên ngôi sau khi đã ngã thật (thua Thụy Sỹ ngày ra quân) và ngã hụt (trước Paraguay ở tứ kết và trước Hà Lan ở chung kết). Còn tại World Cup 2006, Italia có hành trình vào chung kết kém thuyết phục hơn Pháp. Song Italia mới là đội đăng quang.
Mà chức vô địch World Cup gần đây nhất của Đức, năm 1990, cũng chỉ đến sau hành trình đầy khó khăn, nhiều tranh cãi và kém thuyết phục. Tất nhiên, so sánh giữa các đội cũng như so sánh giữa các thế hệ cách xa nhau khó mà không khập khiễng. Song nhìn lại vài dẫn chứng tiêu biểu kể trên để thấy người chiến thắng cả cuộc chiến phải biết cách vượt qua trận đánh có thể bị người ngoài coi như “thảm họa”.
“Ở đấu trường World Cup, bạn phải cần có những trận như trận thắng Algeria này”, HLV Loew phát biểu. Các học trò của Loew cần được “đi trên mặt đất”, cần có sự thực dụng sau khi được xếp là ứng cử viên hàng đầu cho chức vô địch. Và bản thân Loew cũng có thêm bài học cho các phép thử của ông, cả về nhân sự lẫn chiến thuật.
Chỉ tính riêng ở World Cup này, Loew đã có được ít nhất 2 bài học đáng giá: trận hòa Ghana 2-2 và trận thắng Algeria vừa qua. Vấn đề chỉ còn là ông sẽ “học” thế nào ở chặng đường phía trước.
Những đối thủ “cửa dưới” như Algeria xung trận với tinh thần “trận nào cũng là trận chung kết” nên lúc nào cũng máu lửa. Còn với những đội “cửa trên” như Đức, khó mà tránh khỏi chuyện họ chân đá Algeria, đầu nghĩ tới Pháp (đối thủ ở tứ kết) nên thái độ cũng khó tránh việc giữ chân, cầm chừng. Nhưng giờ thì khác, Đức sẽ chỉ nghĩ đến Pháp.
Pháp là đối thủ lớn thực sự đầu tiên của Đức tại World Cup 2014. Từ vòng này mà “học” nữa thì khó tránh phải trả “học phí” cao. Hay dở của Đức có lẽ cứ chờ gặp Pháp cho rõ ràng hơn.