Để đền bù, BTC xin mời các bạn đến với chương trình “Hỏi khoai, đáp khoái”. Dẫn chương trình là MC Xuân Xít và khách mời là Giáo sư Kèo Chọn Sai.
- MC Xuân Xít: Vâng xin chào giáo sư. Mang họ Kèo chắc giáo sư phải rành bóng bánh lắm nhỉ?
- GS Kèo Chọn Sai: Còn phải hỏi. Tôi mà đứng thứ 2 thì chả ai dám nhận là số 1.
- Kinh phết, không biết là “Thánh Chém” hay “Thánh Bóng đá” đây. Câu hỏi đầu tiên, xin giáo sư cho biết, trong quần của trọng tài ở World Cup 2014, có một vật hình trụ màu đen hoặc sẫm, dài khoảng 15cm, khi hoạt động thường phun ra chất màu trắng đục. Hỏi vật đó là gì?
- Cái của nợ ấy của mấy ông trọng tài đâu có gì mà đố. Đó là bình xịt sơn tiêu biến, dùng để đánh dấu vị trí trong các tình huống đá phạt.
- Đúng là giáo sư, thâm thúy quá. Thế ở Brazil, trong 3 nghề gồm cảnh sát giao thông, thợ xây và vũ công Samba thì nhóm nào mê bóng đá nhất? Câu này khó đấy!
- Hehe, không lừa được tôi đâu. Người ta hay ví von cầu thủ Brazil là vũ công Samba nhưng thực ra cảnh sát giao thông là mê bóng đá nhất. Vì môn này có quá nhiều hình phạt như phạt góc, phạt đền, phạt thẻ vàng, thẻ đỏ… Lúc đói kém thế này, mấy anh giao thông phạt được nhiều là thích lắm.
- Thế tại sao Neymar được coi là tiền đạo từ trong bụng mẹ và anh ta được sinh ra ở đâu?
- Quá dễ, khi mang thai Neymar, bà mẹ bị mắc chứng rau tiền đạo, rõ ràng từ lúc đó đã báo hiệu sau này anh sẽ trở thành một tiền đạo lẫy lừng. Và Neymar sinh ra từ bụng chứ ở đâu. Đẻ mổ đấy! Và bác sỹ trực tiếp xử lý ca này chính là... “Doctor Socrates”.
- À ra thế. Câu hỏi tiếp: Tại sao một trận bóng lại được tính theo phút mà không tính theo giờ?
- Theo tôi, chẳng phải mỗi bóng đá tính theo phút mà còn nhiều thứ khác tính theo phút ấy chứ. Ví dụ như trên “sân nhỏ”, trông anh Xuân Xít lẻo khẻo thế này, “chưa ra chợ đã tiêu hết tiền” thì đá được mấy phút…
- Đề nghị giáo sư không xúc phạm khả năng sinh lý của người khác. Giáo sư có trả lời được câu hỏi này không?
- Dễ ợt, sở dĩ một trận bóng đá được tính theo 90 phút là bởi bóng đá do người Anh phát minh ra và đặt tên là “Football”. Đã là football thì cứ việc đá bóng theo “phút” thôi.
- Hừm, câu hỏi cuối: Trái bóng có linh hồn không mà được coi là linh hồn của trận đấu?
- Anh có linh hồn không?
- Có.
- Sao anh biết anh có linh hồn?
- Vì tôi sẽ chết khi hồn rời khỏi xác.
- Đấy đấy. Vậy thì trái bóng có linh hồn bởi nếu không thì làm sao có những tình huống “bóng chết”, “bóng sống” hay “bóng sống mà sút vào góc chết”.
- À... ờ... đúng! Xuất sắc quá, thâm thúy quá. Xin cảm ơn giáo sư Kèo Chọn Sai. Quý bạn và các vị có câu hỏi gì, càng khoai càng khoái, hãy gửi ngay về cho chúng tôi và chúng ta sẽ gặp lại nhau ở chương trình “Hỏi Khoai đáp Khoái” lần tới.