NHIỄM PHONG CÁCH CHÂU ÂU
Nam Mỹ là cái nôi của vô số tài năng bóng đá. Nhưng Nam Mỹ không thể đưa họ trở thành những ngôi sao thực thụ. Muốn đạt tới đẳng cấp thế giới, các cầu thủ Nam Mỹ phải sang châu Âu và thích nghi với bóng đá tại đây. FIFA chưa bao giờ trao giải Quả bóng vàng cho cầu thủ chơi bóng ở Nam Mỹ! Vì thế, sang châu Âu thi đấu là con đường duy nhất.
Hàng năm, có hàng ngàn cầu thủ Nam Mỹ sang lục địa già tìm kiếm cơ hội. Những cầu thủ giỏi của Nam Mỹ hầu hết đang chơi bóng ở châu Âu. Họ quá am hiểu bóng đá tại đây và cũng nhiễm nặng phong cách chơi bóng ở nơi này. Cũng bởi vậy, các đội tuyển Nam Mỹ càng ngày càng bị “Âu hóa” trong cách chơi. Ví dụ rõ ràng nhất là Paraguay.
Ở World Cup 2010, Paraguay lọt vào tứ kết bằng lối chơi đầy thực dụng. Cả giải, Paraguay ghi được đúng 3 bàn và thủng lưới vỏn vẹn 2 bàn/5 trận. Chưa hết, tại Copa America 2011, Paraguay vào tới tận trận chung kết với thành tích vô tiền khoáng hậu: Không thắng được trận nào trong thời thi đấu chính thức. Lối chơi của Paraguay lúc đó rất đơn giản: Tập trung phòng ngự thật chặt, rồi phản công bằng các đường bóng dài và bổng nhắm đến “cây sào” Santa Cruz. Đó là phong cách đặc trưng của nhiều đội bóng châu Âu!
Uruguay có phong cách hệt như một đội bóng châu Âu
Chưa hết, nhà vô địch Copa America 2011 - Uruguay cũng bị nhận xét là chơi hệt như một đội bóng châu Âu. Với phong cách này, Uruguay đã vào tới bán kết World Cup 2010. Sự thành công của Paraguay và Uruguay ở World Cup 2010 và Copa America 2011 có thời điểm còn được coi là bài học, là lối đi để các đội tuyển Nam Mỹ khác noi theo.
Không thể không nhắc đến Brazil trong việc bị “Âu hóa” lối chơi. Selecao dưới thời các HLV Carlos Dunga, Mano Menezes và Felipe Scolari đều bị cho là mất chất La-tinh. Họ sử dụng sơ đồ 4-2-3-1 với cặp tiền vệ phòng ngự và 1 trung phong cắm đúng kiểu các CLB lục địa già. Tại Confed Cup 2013, Brazil cũng dùng rất nhiều đường chuyền dài từ Paulinho, Thiago Silva, David Luiz và không ít các pha tạt cánh đánh đầu.
NHỚ LẮM SỰ NGẪU HỨNG
Không thể không nhắc đến những cú gắp bóng biểu diễn của Cuauhtemoc Blanco (Mexico). Ngoài ra, những cú lắc hông, đảo chân biểu diễn của Ronaldinho, Rivaldo (Brazil) cũng mang lại cảm hứng lớn. Tại World Cup 1998, những pha đá phạt, những tình huống bắt bóng đầy quả cảm của Jose Chilavert (Paraguay) cũng để lại ấn tượng lớn. Hay đơn giản hơn nữa, những bộ trang phục màu mè của Jorge Campos (Mexico) thôi cũng đủ để NHM nhớ đến.
Nói vậy để thấy, cái chất điên dại, hoang dã trong những ngôi sao Nam Mỹ ngày một ít. Bây giờ, sức ép của danh hiệu, của thành công đã khiến họ bị Âu hóa đi quá nhiều. World Cup 2014 được tổ chức trên “sân nhà” với các đội tuyển Nam Mỹ. Đó là lúc NHM hy vọng sẽ lại được thấy những đội tuyển Nam Mỹ chơi với đúng với bản ngã của họ nhất.