Sự chuẩn bị ấn tượng
Sau 2 lượt trận, Anh trở thành đội bóng ghi nhiều bàn thắng nhất từ những tình huống đá phạt hoặc những quả phạt góc tại giải với 4 bàn. Con số này có thể nâng lên thành 5 nếu như tính cả bàn thắng từ chấm phạt đền của Harry Kane ở trận đấu với Panama, tình huống mà đội trưởng ĐT Anh bị phạm lỗi sau một pha dàn xếp đá phạt góc.
Với thành tích trên, Anh đang là đội ghi được nhiều bàn thắng nhất từ những tình huống cố định tại World Cup 2018. Chính màn phối hợp ăn ý từ những tình huống cố định giúp nhiệm vụ của ĐT Anh ở vòng bảng trở nên nhẹ nhàng hơn. Và đó sẽ tiếp tục là thứ vũ khí lợi hại của Tam sư ở trận tranh ngôi đầu với Bỉ và cả hành trình sau này. Những tình huống dàn xếp đá phạt bài bản đã cho thấy sự chuẩn bị kỹ càng của ĐT Anh cho World Cup 2018.
Hãy cùng làm một phép so sánh. World Cup 2010, Anh gặp Đức và bị đẩy vào thế bị dẫn bàn. Trong một tình huống dàn xếp đá phạt bên phần sân của ĐT Đức, các cầu thủ Anh dâng cao và để lại Gareth Barry ở phía sau. Pha phối hợp đó bất thành, Đức phản công và Mesut Oezil đã không gặp nhiều khó khăn trong việc dùng tốc độ để vượt qua Barry rồi kiến tạo cho Thomas Mueller ấn định chiến thắng 4-1. Câu hỏi đặt ra là tại sao là Barry mà không phải là một cầu thủ có tốc độ hơn án ngữ ở phía sau để đối phó với những miếng phản công chớp nhoáng? Câu trả lời chỉ có thể là sự thiếu chuẩn bị cho những tình huống như vậy.
2018 là một hình ảnh đối lập hoàn toàn. Tính đến thời điểm này, Anh không chỉ là đội ghi nhiều bàn thắng nhất từ những tình huống đá phạt, mà còn sở hữu một trong những pha dàn xếp đá phạt có thể đưa vào sách giáo khoa bóng đá. Từ quả phạt ở khá xa vòng cấm ở trận gặp Panama, Kieran Trippier bấm bóng cho Harry Kane ở góc xa bẻ gãy bẫy việt vị của đối thủ. Đội trưởng của ĐT Anh sau đó đánh đầu vào cho Raheem Sterling rồi John Stones thay nhau dứt điểm cận thành trong tình huống đối mặt với thủ môn để ghi bàn nâng tỷ số lên 4-0. Một pha dàn xếp mà chắc chắn các cầu thủ Anh đã phải tập luyện rất nhiều!
Trippier và Russell là “chìa khoá”
Trong các tình huống đá phạt và phạt góc của ĐT Anh ở tầm xa, cầu thủ chạy cánh Trippier của Tottenham luôn là người đảm nhận. Những đường bóng của Trippier tính đến thời điểm này có độ ổn định rất cao.
Theo thống kê, tính đến sau lượt trận thứ 2 thì Trippier chính là người tạo ra nhiều cơ hội ghi bàn thứ nhì tại World Cup 2018 với 7 lần, chỉ thua nhạc trưởng Kevin de Bruyne của Bỉ. Phần lớn trong những cơ hội như vậy được Trippier tạo ra từ đá phạt hay phạt góc, điều mà chính cầu thủ này thừa nhận là đã dày công luyện tập với sự chỉ dẫn từ chuyên gia sút phạt Christian Eriksen, đồng đội của anh trong màu áo CLB Tottenham.
Nhưng với Trippier thì ĐT Anh sẽ không có được hiệu quả cao đến thế ở các tình huống cố định. Bởi kiến trúc sư thực sự đằng sau những pha dàn xếp của ĐT Anh là Allan Russell, một thành viên trong BHL và cũng là một chuyên gia nghiên cứu về các tình huống dàn xếp đá phạt.
Ở Russell có điểm chung với HLV Gareth Southgate là cả 2 đều thích những môn thể thao của Mỹ, trong đó rất ấn tượng với cách các đội bóng tại giải bóng bầu dục (NFL) và giải bóng rổ (NBA) dàn xếp các tình huống cố định. Kể từ tháng 6/2017, Russell được Southgate đưa về với nhiệm vụ chính là giúp ĐT Anh tăng tính hiệu quả trong các tình huống “bóng chết”. Và cho đến nay, có thể khẳng định rằng Russell đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Sau 50 bàn thắng được ghi tại World Cup 2018, có tới 27 bàn đến từ những tình huống cố định (tính cả những quả phạt đền), chiếm tỷ lệ hơn 50%. Đây là một tỷ lệ rất cao nếu so với khoảng trung bình từ 25%-33% theo thống kê ở các giải VĐQG hàng đầu ở mùa giải vừa qua. Điều đó cho thấy tận dụng những bàn thắng từ các tình huống cố định đang là một xu thế tại World Cup 2018 và ĐT Anh đang là những người nắm bắt xu thế đó tốt nhất!
Nhận định & Bình luận trận Anh - Bỉ
ĐANG TẢI VIDEO... Vui lòng chờ trong giây lát. |