TRANH NGÔI VÔ ĐỊCH VÀ VƯỢT QUA VÒNG BẢNG
Theo biểu giá cá cược của hãng Paddy Power, khả năng vô địch World Cup 2014 của ĐT Nga thấp hơn 1%, nên mới có kèo 100/1 cho đội tuyển Nga (đặt 1 ăn 100 nếu Nga vô địch). Cũng trong biểu giá này, kèo vô địch cho ĐT Anh chỉ là 28/1, Uruguay cũng 28/1, Italia là chỉ 25/1. Coi như khả năng vô địch World Cup 2014 của Italia cao gấp 4 lần đội Nga. Xác suất vô địch của Anh và Uruguay cũng gần bằng Italia, cao gấp 3,5 lần xác suất vô địch của Nga.
Trong khi đó, mục cá cược cho đội đi tiếp sau vòng bảng lại xếp Nga vào tỷ lệ 1/2 (đặt 2 ăn 1 nếu đoán đúng Nga đi tiếp). Tỷ lệ này của Anh là 4/7, tức khả năng đi tiếp của Anh thấp hơn Nga một tí - cho dù khả năng vô địch của Anh thì cao hơn Nga rất nhiều.
Với tỷ lệ đi tiếp cho Colombia là 2/7, coi như nhà cái đánh giá khả năng vượt qua vòng bảng của Colombia cao gấp đôi so với Tam Sư. Cần nhớ, Colombia xưa nay chỉ mới 4 lần góp mặt ở VCK World Cup, vượt qua vòng bảng 1 lần, và lập tức dừng chân trước Cameroon trong lần duy nhất ấy.
Tất cả là vì tương quan lực lượng trong các bảng đấu quá khác nhau, làm cho ứng cử viên vô địch cũng dễ về nước ngay sau vòng bảng trong khi các đội tầm thường, không bao giờ dám mơ đến ngôi vô địch, lại dễ tiến xa.
Thật ra, biểu giá cá cược chỉ là một trong những chi tiết cụ thể để nói lên rằng khả năng vượt qua vòng bảng của một đội bóng không nhất thiết phải tùy thuộc vào năng lực của chính họ, mà chủ yếu liên quan đến sức mạnh của các đối thủ trong bảng.
Không cần tham khảo các biểu giá cá cược, một người hâm mộ bình thường cũng dễ dàng chỉ ra 2 bảng nặng nề nhất tại World Cup 2014. Đó là bảng D (Italia, Anh, Uruguay, Costa Rica) và bảng G (Đức, BĐN, Ghana, Mỹ). Vấn đề đặt ra: bảng nào “khó chịu” hơn?
Pirlo và Sturridge trong cuộc đụng độ giữa Italia và Anh
“3 CHỌN 2” VÀ “4 CHỌN 2”
Trên nguyên tắc, Đức là đội mạnh nhất ở bảng G, nhưng họ chưa chắc đã mạnh hơn bất cứ đội nào trong số Anh, Italia hoặc Uruguay ở bảng D. Nói cách khác, bảng D là nơi tập trung nhiều “ông kẹ” nhất tại World Cup này. Cũng vì vậy, người ta có thể cho rằng đấy là bảng khó khăn nhất.
Kỳ thực, giữa 3 đội mạnh của bảng D thì một đội chỉ cần xếp trên một đội khác là coi như hoàn thành nhiệm vụ. Đấy là vì cũng trên lý thuyết, coi như Costa Rica sẽ phải chấp nhận vị trí chót bảng (muốn bàn về khả năng gây bất ngờ của Costa Rica? Đấy là là câu chuyện khác). Có nghĩa, bảng D thực chất chỉ là cuộc đua “3 đội chọn 2”. Và do vậy, xác suất đi tiếp của cả Anh, Italia lẫn Uruguay đều cao hơn mức độ trung bình.
Trong khi đó, Ghana và Mỹ tại bảng G đều không phải là “đội lót đường” như Costa Rica ở bảng D. BĐN thì chưa mạnh đến mức có thể xếp vào hàng đại gia của World Cup như Đức, Anh hoặc Italia. Ở một mức độ nào đó, có thể cho rằng bảng G khá đồng đều, theo nghĩa không có đội nào hoàn toàn tuyệt vọng, như Costa Rica ở bảng D.
Đấy sẽ là cuộc đua “4 đội chọn 2”, căng hơn cuộc đua “3 đội chọn 2” trong bảng của Anh. Mặt khác, nếu cho rằng Đức vẫn trội hơn cả ở bảng đấu này, thì 3 đội còn lại sẽ tranh nhau 1 vé đi tiếp. Khi ấy, nhiệm vụ của BĐN vẫn chưa chắc nhẹ nhàng hơn nhiệm vụ của đội tuyển Anh.
Khác biệt là ở chỗ: BĐN gặp 2 đội dưới cơ là Ghana và Mỹ, nhưng họ buộc phải thắng cả hai. Còn Anh (hay Uruguay, Italia) gặp 2 đối thủ cực mạnh, nhưng họ chỉ cần xếp trên một trong hai đối thủ ấy. Tóm lại, World Cup 2014 có đến 2 “Bảng tử thần”, với 2 hoàn cảnh rất khác nhau. Không dễ khẳng định bảng nào “khó chịu” hơn bảng nào!