Bóng Đá Plus trên MXH

Người đại diện tại Việt Nam 'sống' như thế nào?
Đam San • 10:19 ngày 25/08/2020
Người đại diện cầu thủ ở Việt Nam thường hoạt động theo mô hình khép kín và tỷ lệ thành công của mỗi thương vụ chuyển nhượng đa số đều phụ thuộc vào mối quan hệ theo kiểu “nhất thân nhì quen”.

    Ai đã đưa 2 cầu thủ được định giá “triệu đô” Ariel Rodriguez và Jose Ortiz đến với CLB TP.HCM? Cho đến bây giờ, người ta vẫn chưa biết cả hai tiền đạo người Costa Rica là “hàng” của nhà môi giới nào. Chỉ biết, khi đội bóng Thành phố cần tiền đạo, rất nhiều hồ sơ đã gửi đến để lãnh đạo, BHL xem xét. Đội á quân V.League tuyển dụng cầu thủ ngoại theo cách khá đặc biệt. Theo đó, HLV Chung Hae Soung chỉ xem băng hình thi đấu rồi quyết định, thay vì quy trình phải thử việc, phải ra sân thi đấu để xem chân cẳng ra sao.

    Sở dĩ có quy trình “gọn nhẹ” như vậy là bởi người đại diện cầu thủ cương quyết không thử việc do ngoại binh của họ có “thương hiệu” và được định giá khá rõ ràng. Với dạng chuyển nhượng thế này, công việc của nhà môi giới là khá nhàn hạ. Ở V.League không có nhiều cầu thủ được đặc cách như vậy, bởi  tất cả phải trải qua một thời gian thử việc để thẩm định chuyên môn trước khi đặt bút ký hợp đồng.

    Do vậy, công việc của người đại diện là vô cùng vất vả. Họ phải lo giấy tờ, thủ tục, theo sát động viên tinh thần, lo chuyện ăn ở... cho cầu thủ của mình. Khi CLB cảm thấy ưng ý, người đại diện mới bắt đầu đàm phán về lương, tiền lót tay hay các vấn đề liên quan. Trước đó, người đại diện cũng phải “săn” tìm nguồn cầu thủ. Thông thường, “đầu vào” của ngoại binh đến từ những tay “cò” trung gian, tức phải qua những “mối quen” từ người bản địa từ châu Phi, châu Mỹ... Nói nôm na, quy trình này thường diễn ra theo kiểu khép kín “tự làm tự ăn”.

    Nhà môi giới Trần Tiến Đại (trái)

    Ở Việt Nam, chỉ có vài ba công ty hoạt động theo mô hình môi giới chuyên nghiệp, còn lại đa số đều hoạt động tự do. Cách hoạt động của các nhà môi giới tự do thường dựa trên uy tín cá nhân. Chẳng hạn, trước khi đến Việt Nam, cầu thủ A sẽ có một sự thỏa thuận, giao kèo sơ bộ về tất tần tật những vấn đề liên quan. Về bản chất, nó giống như các thương vụ buôn bán. Người đại diện bỏ ra số vốn đầu tư, lời hay lỗ của các thương vụ, phụ thuộc vào giá trị được ký của cầu thủ.

    Với cầu thủ nội, khái niệm người đại diện chỉ mới xuất hiện trong một vài năm đổ lại đây. Đại đa số cầu thủ nội đều tự tìm đến với người đại diện và đó hầu hết là người quen, theo kiểu “nhờ anh giúp em”. Số còn lại, người đại diện phải đi tìm, tự làm. Nhìn chung, mọi cuộc mua bán cầu thủ nội đều dựa trên sự thỏa thuận giữa đôi bên. Các cầu thủ sẽ đưa ra con số mà mình muốn khi đầu quân cho đội bóng A. Các nhà đại diện sẽ là người đàm phán để “thân chủ” của mình có được cái giá như ý. Nguồn sống của nhà đại diện, một là phụ thuộc vào số tiền chênh lệch giữa giá trị đề xuất của cầu thủ và giá mua của CLB. Và hai là, người đại diện được hưởng số % hoa hồng như thỏa thuận ban đầu.

    Nhìn lại bức tranh chuyển nhượng suốt chiều dài V.League ở thời điểm nhộn nhịp nhất, nhà môi giới Trần Tiến Đại ăn nên làm ra với những con tính đầy khôn ngoan của mình. Ông Đại và công ty sẵn sàng bỏ ra số tiền như cầu thủ yêu cầu để mua đứt hợp đồng, rồi sau đó bán lại cho các đội bóng để ăn phần chênh lệch. Đó là nguyên do, nhà môi giới được ví như “siêu cò Mendes Việt Nam” đã thực hiện rất nhiều phi vụ “bom tấn”.

    Phương thức hoạt động của người đại diện tại Việt Nam mỗi thời điểm đều có sự khác nhau nhưng tựu trung lại, họ đã và đang ý thức được đây là một cái nghề “kiếm cơm” của mình, thậm chí trở nên giàu có, nếu tạo dựng được hình ảnh và sự uy tín của mình.

    Vắng bóng nhà môi giới ngoại chuyên nghiệp
    Trước đây mỗi lúc các đội bóng chuẩn bị cho mùa giải mới, các nhà môi giới chuyên nghiệp thực thụ luôn xuất hiện ở những sân tập, các giải giao hữu để tiếp cận với các đội bóng nhằm giới thiệu cầu thủ. Có thể kể đến một vài cái tên người môi giới từ nước ngoài như Mauro, Jernej Kamensek… Họ đã mang đến V.League nhiều cầu thủ ngoại chất lượng như Denilson, Leandro, Omar, Ceh… Dù vậy, những nhà môi giới có quan hệ tốt với các cầu thủ có đẳng cấp ở nước ngoài này đã vắng bóng hẳn trong công việc giới thiệu cầu thủ. “Cò ngoại” giờ còn chăng đa phần chủ yếu là những ngoại binh từng chơi ở V.League. 

    Lý do là V.League hiện tại không phải là điểm đến lý tưởng của những cầu thủ có chuyên môn tốt. Điều này xuất phát từ vấn đề lương, lót tay, chất lượng sân bãi… Đặc biệt, việc giới thiệu ngoại binh ở V.League luôn có những luật bất thành văn về vấn đề tài chính mà nếu không chấp nhận hay không hiểu chuyện sẽ gặp ngay thất bại. 

    Nhiều “cò con” giải nghệ vì không tìm được chỗ đứng
    Rất nhiều “cò tay ngang” và “cò con” đã phải giải nghệ vì không cạnh tranh nổi với những nhà môi giới có nguồn hàng chất lượng, có mối quan hệ, chịu chơi cũng như chịu chi. Lấy ví dụ, Achilefu từng được xem là có “máu mặt” nhờ nguồn cầu thủ phong phú từ châu Phi nhưng bây giờ cựu tiền đạo của Nam Định phải rút lui trước những đồng nghiệp mới. Tương tự, năm 2013 sau khi giải nghệ, tiền đạo Ilya Buba Johnson cũng thành lập công ty môi giới riêng nhưng rốt cuộc phải chuyển loại hình hoạt động sang bóng đá cộng đồng thay vì môi giới cầu thủ. Hiện tiền đạo người Nigeria đang mở trung tâm bóng đá cộng đồng ở tỉnh Kon Tum.

    XEM THÊM

    Lê Minh Bình (U22 Việt Nam): Đây rồi Văn Toàn đệ nhị

    10 cầu thủ U22 Việt Nam đáng chú ý nhất trong danh sách khủng của ông Park

    SỰ KIỆN NÓNG trong ngày

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay