Bóng đá Việt Nam cần phải làm gì giữa cơn đại dịch? Đương nhiên, làng bóng đá phải có những giải pháp nhằm đảm bảo sự an toàn của mình. Sự an toàn của những người hoạt động bóng đá là yếu tố quyết định cho thành bại sau này. Bóng đá có thể ngừng lăn, cầu thủ có thể ngừng tập luyện thì những nhà quản lý phải suy tính cho câu chuyện sau này. Đó là thời khắc đại dịch được đẩy lùi, kiềm tỏa, hay chí ít là hoàn cảnh khách quan đủ để tổ chức các trận đấu. Có nghĩa là bóng không lăn thì người hữu trách vẫn phải có những giải pháp cho từng tình huống, từng hoàn cảnh và mục tiêu tối thượng là bài toán vĩ mô được đảm bảo.
VPF đã ra một kịch bản cho tình huống không mong muốn nhất là bóng đá không có khán giả. Khi ấy, V.League có thể thi đấu ở một cụm sân vận động có cự ly di chuyển gần nhau nhằm tiết kiệm thời gian, sức lực, tiền bạc và bảo đảm sức khỏe cho người trong cuộc. Giải vẫn về đích và ĐTQG vẫn đủ thời gian để hoạt động.
Thế nhưng, cần phải nhấn mạnh rằng, đó không phải là phương án cuối cùng và mong muốn nhất của nhà điều hành. Bởi mong muốn sâu thẳm nhất phải là sân cỏ tràn ngập khán giả để giải những bài toán về thương quyền, hình ảnh và phục vụ cộng đồng. Và như đã nói, giờ là lúc V.League và bóng đá Việt Nam cần những giải pháp trong biến cố lịch sử. Nếu không phải là phương án đá tập trung thì phải là một kế hoạch khả thi nào đó. Thậm chí, phương án xấu nhất là hoãn V.League dài hạn cũng cần được tính đến và các giải pháp tiếp theo phải như thế nào?
Hơn lúc nào hết, các chuyên gia, các nhà quản lý, các đội bóng cần phải thể hiện trách nhiệm với cuộc chơi. V.League cần những sáng kiến, những giải pháp thay vì tiếng thở dài. Bởi dù thế nào thì chúng ta cũng không thể thay đổi hoàn cảnh, không thể dám chắc rằng, cuộc chiến chống đại dịch sẽ mau chóng kết thúc để bóng đá được thi đấu với điều kiện tốt nhất.
Lối đi nào cho V.League? Câu hỏi đó không ai khác, chính những người làm bóng đá phải trả lời bằng tất cả trách nhiệm, hợp tác của mình.
XEM THÊM
V.League tiếp tục hoãn, chờ thông báo mới