Thủ đoạn tinh vi của hooligan nhí
Sự có mặt của 60.000 khán giả tại 5 sân vận động (2 trận đấu tạm hoãn vì AFC Cup) ngay ở vòng đấu đầu tiên có thể xem là một tín hiệu khởi sắc với V.League 2018. Tuy nhiên vẫn còn đó điều khiến BTC giải đấu chưa thể nở một nụ cười trọn vẹn. Trận đấu giữa Hà Nội FC và Hải Phòng chứng kiến những quả pháo sáng được CĐV quá khích ném xuống sân. Các nhân viên an ninh hớt hải dập lửa. Cầu thủ hai đội bần thần đứng nhìn trong làn khói mịt mù trắng xóa. Trận đấu buộc phải kết thúc sớm hơn so với số phút bù giờ quy định. Hải Phòng không có cơ hội tìm kiếm bàn gỡ hòa ở phút cuối.
Những quả pháo sáng ném thẳng xuống sân bóng khiến trọng tài Ngô Duy Lân phải dừng trận đấu sớm - Ảnh: Minh Tuấn
Thực tế, cổ động viên đốt pháo sáng trở thành… chuyện cơm bữa ở V.League từ mùa giải này đến mùa giải khác. Nhưng khi BTC giải, đông đảo người hâm mộ đều khao khát đưa giải bóng đá số 1 Việt Nam lên một tầm chuyên nghiệp hơn, như đúng khuôn mẫu mà những giải Ngoại hạng Anh, Serie A, La Liga… đã và đang xây dựng thì mọi yếu tố đi ngược lại với chu trình phát triển tích cực đều phải loại bỏ không khoan nhượng.
Phần lớn hooligan đốt pháo lại có tuổi đời còn rất trẻ
Nhiều ý kiến bất ngờ ủng hộ ngầm việc đốt pháo trên sân
Người Anh đã và đang chiến đấu với nạn hooligan sử dụng các loại pháo nổ, pháo sáng đến sân. Họ luôn lo lắng về con số gia tăng các vật dụng gây nổ mà cổ động viên quá khích mang vào khán đài. Đáng ngại hơn, phần đông các đối tượng này lại chỉ ở độ tuổi trung bình từ 19-20. Và để vượt qua hàng rào an ninh trước sân vận động, những hooligan này thường lợi dụng trẻ em để tuồn vào “hàng nóng”. Trang Daily Stars từng đưa tin hai trường hợp các CĐV nhí lôi từ balo hay rút ra khỏi chiếc bánh sandwich các loại pháo để các cổ động viên quá khích đốt hay ném xuống SVĐ.
Nỗi đau trên khán đài
Con số trung bình về các trường hợp CĐV quá khích (hooligan) dùng pháo bị bắt mỗi mùa ở giải Ngoại hạng Anh trong 5 mùa giải gần đây dao động từ 80 - 100 vụ. Điều đáng nói, dù thừa hiểu rằng việc đốt pháo (pháo sáng, bom khói, pháo nổ…) là vi phạm pháp luật nhưng lại có một tỷ lệ không nhỏ ủng hộ ngầm cho điều đó. Theo Daily Star, có đến 40% ý kiến cho rằng việc đốt pháo sẽ tạo nên bầu không khí phấn khích cho trận đấu.
Nhưng những ý kiến đồng tình ấy sẽ phải được xem xét lại nếu như người ta tận mắt chứng kiến những trường hợp thương tâm xảy ra vì hành động ấy. Ở nhiệt độ lên đến hơn 1.000 độ C, thậm chí đạt ngưỡng 1.500 độ C, các loại pháo có thể gây nguy hại nghiêm trọng.
Năm 2013, một cổ động viên của Lazio từng mất 3 ngón tay, trong đó có ngón cái chỉ vì muốn đốt một quả pháo sáng ở sân Olimpico (Rome). Một năm trước đó tại Anh, 2 người hâm mộ bị thương do các CĐV quá khích đốt và ném pháo vào nhà vệ sinh sân Ellan Road (Leeds United). Tháng 4/2013, tại sân Reebok của Bolton, một thiếu niên 18 tuổi cũng phải vào viện điều trị bỏng vì nhặt một quả pháo trên khán đài. Cùng năm ấy trong trận derby vùng Merseyside, một cậu bé 8 tuổi cũng đi cấp cứu cũng do nguyên nhân tương tự.
Không chỉ ở châu Âu, việc hooligan đốt pháo cũng trở thành nạn nhức nhối nhiều năm ở Australia. Tháng 11/2014, hai thiếu niên đã phải nhận án phạt cấm vào sân trong vòng 5 năm vì hành vi đốt pháo làm bỏng cô gái 20 tuổi và cậu bé mới lên 12 tuổi, trong trận đấu giữa Melbourne Victory và Brisbane Roare ở sân Etihad. Năm ngoái tại Indonesia, một người đàn ông 32 tuổi thậm chí thiệt mạng vì bị một quả pháo sáng rơi trúng đầu khi theo dõi trận giao hữu giữa Indonesia và Fiji.
Damien de Bohun, người đứng đầu giải VĐQG Australia tuyên bố đầy gay gắt: “Việc đốt các loại pháo trên sân là không thể tha thứ. Đó là tội ác mà bóng đá đất nước này hoàn toàn không thể chấp nhận”.