Chile tưởng đã ghi bàn (trong trận thắng Cameroon 2-0). Nhưng hình ảnh quay chậm cho thấy đấy không phải là pha ghi bàn. HLV Juan Antonio Pizzi của Chile cụt hứng. Ông nói sau trận: “Bóng vào lưới. Bạn lập tức nhìn về phía trợ lý trọng tài. Nếu ông ta không phất cờ, bạn sẽ nhảy cẫng lên vui mừng. Bây giờ, bạn lại không biết mình phải làm gì sau một tình huống như thế”. Cái cảm xúc tuyệt vời nhất trong môn bóng đá giờ bị nhốt chặt, có muốn bùng nổ cũng phải chờ xem người ta có cho phép nó bùng nổ hay không!
Ở mức độ mỹ mãn nhất có thể, phương pháp VAR đem lại một phần công lý cho môn bóng đá. Quyết định của trọng tài có thể sẽ chính xác hơn sau khi xem lại hình ảnh chiếu chậm trong các tình huống ghi bàn, phạt đền hoặc phạt thẻ đỏ. Ngay cả trong trường hợp giả định này, bóng đá cũng đã phải trả giá đắt cho cái gọi là “một phần công lý” rồi. Trận đấu bị gián đoạn, vai trò của trọng tài trở nên mờ nhạt, và cảm xúc có thể bị bóp chết.
Xin nhắc lại: chỉ trong những tình huống cụ thể vừa nêu - mà người ta gọi là “tình huống quan trọng”. Tình huống phạm lỗi giữa sân thì “không quan trọng”, nên cũng chẳng cần phải “có công lý”. Hãy hình dung tiếp: tỷ số đang là 0-0, trận đấu bước vào phút chót, va chạm xảy ra ngay bên ngoài vùng cấm địa. Theo định nghĩa của FIFA thì đấy là tình huống không cần xem lại video - dù đấy rất có thể là tình huống quyết định toàn cục. Ngược lại, nếu tỷ số đã là 4-0 và xuất hiện một trong các tình huống liên quan đến bàn thắng; phạt đền; thẻ đỏ, thì dứt khoát lại phải kiểm tra qua video để quyết định cho đúng!
Tình huống này “cần có công lý” hơn tình huống khác, đấy đã là một quan niệm không được văn minh cho lắm. Thật ra, ngay cả trong một tình huống thật sự quan trọng, cũng chưa chắc VAR đã đúng. Máy móc nào mà đọc cho được suy nghĩ của con người, hả các ngài FIFA? Nếu xem lại pha chiếu chậm và “phát giác” (ghê gớm nhỉ) rằng có đụng chạm giữa hậu vệ và tiền đạo trong vùng cấm, làm sao máy móc phân xử được rằng đấy là sự đụng chạm “có chủ đích”? Nên nhớ: “đụng chạm” và “phạm lỗi” là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Tình huống khiến trọng tài phải quyết định có phạt thẻ đỏ hay không cũng vậy.
Ở trận giao hữu Pháp - Anh gần đây, việc trọng tài thổi phạt đền và đuổi Raphael Varane (Pháp) ra khỏi sân sau khi xem lại hình ảnh video đã gây tranh cãi. Quá dễ hiểu: thiên hạ xưa nay vẫn cứ tranh cãi sau khi xem lại hình ảnh chiếu chậm đấy thôi!
Cuối cùng là chuyện logic thuần túy. Chấp bạn xem lại ngàn lần nếu xuất hiện tình huống bóng đã qua vạch... 1mm. Suy diễn tiếp: nếu có cầu thủ đã việt vị, vào khoảng 0,0001 mm - VAR nào có thể chỉ rõ công lý? Nó cũng khôi hài như cái chuyện tăng từ 3 lên 5 trọng tài (và trợ lý) vậy. Suy nghĩ cho rằng 5 cặp mắt sẽ tốt hơn 3 cặp mắt là một suy nghĩ... ngu ngốc, trước các tình huống mà vấn đề là mắt người không thể nhìn rõ!
VAR chưa phải là khoa học Phương pháp “mắt ó” trong môn quần vợt là khoa học thuần túy, theo đó máy móc xử lý tình huống đến tận chân tơ kẽ tóc, nên có thể “thấy” bóng đã qua vạch hay còn cán vạch chỉ 1-2mm, điều mà mắt thường không thể thấy được. Về mặt logic, phương pháp VAR của môn bóng đá hoàn toàn không có chỗ nào tương đồng với phương pháp “mắt diều hâu” trong quần vợt. |