Vấp ngã bởi khắc tinh
Lần tái ngộ này, Indonesia lại khiến người Thái gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là ở hiệp 2. Kịch bản ở trận đấu đầu tiên giữa hai đội đã tái hiện trên sân Pakansari. Khác biệt ở chỗ, kết quả có lợi lại nghiêng về thầy trò HLV Alfred Riedl thay vì binh đoàn thiện chiến của Kiatisuk Senamuang như trước đó.
Thái Lan vẫn là đội có bàn thắng mở tỷ số trong hiệp 1 do công của Teerasil Dangda. Nhưng Indonesia cũng chỉ cần đến một khoảng thời gian ngắn ngủi (chỉ từ phút 65 đến 70) là đủ bùng nổ để ghi liên tiếp 2 bàn thắng vào lưới thủ thành Kawin. Điều đặc biệt, thứ vũ khí mà “Garudas” (biệt danh của Indonesia) dùng để tấn công Thái Lan một lần nữa lại là bóng bổng.
Pha đánh đầu tung lưới Thái Lan của trung vệ Hansamu là bàn thắng thứ 5 trong tổng số 10 lần lập công mà đội bóng xứ vạn đảo ghi được thông qua không chiến ở AFF Suzuki Cup 2016. Ngược lại 3/4 bàn thua mà họ phải nhận ở giải đấu năm nay đều đến từ bóng bổng. Đau đớn hơn, tất cả những lần thủng lưới của ĐT Thái Lan đều là những pha dứt điểm đến từ “khắc tinh” Indonesia.
Bỏ lỡ nhiều cơ hội
Nếu như Indonesia cực mạnh ở những tình huống không chiến thì Thái Lan lại luôn bị ám ảnh trước những đường bóng bổng lơ lửng trong khu vực vòng cấm sân nhà. Nỗi sợ hãi của người Thái là có cơ sở khi trong vòng 1 thập kỷ đã qua ở AFF Suzuki Cup, họ đã 3 lần tuột tay khỏi cúp vàng cũng chỉ vì những bàn thua xuất phát từ tình huống như thế (2007, 2008 và 2012).
Thậm chí ở chung kết lượt về AFF Suzuki Cup 2014, Thái Lan cũng đã phải nhận trước tới 3 bàn thua, sau cùng mới ghi được 2 bàn thắng để ấn định chiến thắng chung cuộc với tổng tỷ số 4-3 trước Malaysia. Một trong số đó đến từ pha dứt điểm bằng đầu của Indra Putra!
Chống bóng bổng sẽ là điều mà HLV Kiatisuk đau đầu khắc phục cho trận chung kết lượt về diễn ra vào tối mai. Nhưng bên cạnh đó, “Zico Thái” cũng phải chỉnh lại thước ngắm đối với các học trò.
Phải thừa nhận Thái Lan áp đảo về thế trận trước Indonesia. Những mảng miếng tấn công, đặc biệt là sự kết hợp ở cánh trái với những đường bật tường tam giác của bộ ba Theerathon Bunmathan – Chanathip Songkrasin và Kroekrit Thaweekarn giúp Thái Lan làm giãn tối đa cự ly phòng ngự của Indonesia, qua đó khai thác nhiều khoảng trống ở khoảng trung lộ và vòng cấm đối thủ.
Thế nhưng, ngoài đường kiến tạo từ Bunmathan cho Dangda lập công, Thái Lan đã không thể cụ thể hóa thêm cơ hội nào khác thành bàn thắng. Dẫu cho những pha phối hợp một chạm theo đúng sở trường tik-tok vẫn được các học trò thực hiện một cách uyển chuyển.
Thái Lan cần chiến thắng ở lượt về để lập kỷ lục là đội đầu tiên 5 lần vô địch Đông Nam Á. Nhưng để làm được điều đó, họ cần sắc bén hơn nữa khi đối mặt thủ môn Kunia Meiga, thay vì cứ lần lượt bỏ qua những cơ hội rất ngon ăn trước khung thành như trận lượt đi.
Đội thua ở lượt đi chung kết thì không vô địch Tính từ thời điểm AFF Cup thay đổi thể thức thi đấu với sự xuất hiện của hai lượt đi và về trận chung kết năm 2004 cho đến nay, bất cứ đội bóng nào thua ở lượt đi thì chung cuộc sẽ không thể giành được chức vô địch. |