Anh ta là Brad Gilbert, người từng lọt vào top 4 bảng xếp hạng ATP, từng đánh bại huyền thoại Boris Becker, từng giành huy chương vàng Thế vận hội… Và trong cuốn tự truyện có tiêu đề “Chiến thắng của cái xấu”, Gilbert thừa nhận ưu điểm của anh là luôn bị xếp cửa dưới và sự vững vàng về mặt tâm lý.
20 năm sau, làng túc cầu chứng kiến một hiện tượng tương tự Brad Gilbert ở làng banh nỉ, đó là Diego Simeone. Nhà cầm quân người Argentina này biến Atletico trở thành đội bóng cửa dưới đáng sợ bậc nhất lịch sử, với lối chơi phản bóng đá chưa từng thấy.
Bằng chứng nhãn tiền là ngay cuối tuần qua, Atletico đánh bại Malaga với tỷ số tối thiểu 1-0 để tiếp tục bám sát Barcelona trên bảng xếp hạng La Liga nhờ một cú sút đập người hậu vệ đối phương đổi hướng.
Diego Simeone lúc ấy ngồi trên khác đài. Cuối hiệp 1, ông đã bị truất quyền chỉ đạo vì để cho một cậu bé nhặt bóng ném bóng vào sân khi mà các cầu thủ Malaga đang tổ chức phản công, một đợt lên bóng có thể khiến khung thành Atletico chao đảo. Đó là một chiến thắng xấu xí điển hình.
Đội bóng áo sọc đỏ trắng đã giữ sạch lưới 21 trận tại La Liga mùa này, một thành tích rất đỗi ấn tượng khi giải VĐQG Tây Ban Nha quy tụ đủ 2 bộ ba tấn công đáng sợ nhất châu Âu hiện nay, BBC của Real Madrid và MSN của Barcelona. Trong quá khứ, chỉ có Deportivo có thành tích tốt hơn, nhưng đã từ mùa giải 1993/94.
Simeone máu lửa ngay cả khi ngồi trên khán đài
Thực tế cách bố trí hàng phòng ngự của Atletico không hề quá phức tạp. Họ lùi sâu đội hình xuống mức thấp nhất có thể và giữ cự ly thật chặt. Thống kê chỉ ra rằng, bình quân mỗi trận các học trò của Diego Simeone chỉ bắt việt vị thành công 0,7 lần. Đó không phải bởi Rojiblancos không giỏi bắt việt vị, mà bởi hàng thủ họ lùi quá sâu, đối phương... muốn việt vị cũng khó.
Bên cạnh đó, các cầu thủ Atletico cũng tập trung đông ở khu vực trung lộ, buộc đối phương phải di chuyển rộng nếu muốn triển khai tấn công. Tất nhiên, Simeone luôn chỉ đạo các trò “giăng mạng nhện” dày đặc. Bất kỳ đợt lên bóng nào của đối thủ cũng vướng phải lớp mạng nhện ấy. Thậm chí khi đối phương chưa kịp triển khai bóng, cái mạng nhện ấy đã ập tới bởi Atletico luôn chơi pressing vô cùng quyết liệt.
Để nói về lối chơi xấu xí Simeone xây dựng, trận đấu giữa Atletico và Barca sẽ cho những minh họa rõ nhất. Đội bóng áo sọc đỏ trắng kiểm soát bóng 23%, chỉ thực hiện 116 đường chuyền, trong khi đó Barca thực hiện tới 588 đường chuyền.
Bất chấp những con số thống kê kể trên, Atletico vẫn tạo ra vô khối cơ hội ăn bàn. Ngược lại, Messi bị phong tỏa hoàn toàn. Siêu sao người Argentina không có nổi một pha phối hợp trong vòng cấm địa đối phương.
Các cầu thủ Atletico luôn vào sân với sự máu lửa không đội bóng nào có được
Tam tấu MSN của Barca được liệt vào danh sách những hàng công vĩ đại nhất lịch sử, nhưng họ bất lực hoàn toàn trong việc xuyên thủng hàng phòng ngự Atletico. Lẽ dĩ nhiên, nhiều đội bóng lớn khác cũng rơi vào bi kịch tương tự.
Thống kê chỉ ra rằng trung bình sau 2,57 cú dứt điểm trúng đích, Atletico mới để lọt lưới 1 bàn. Trên bình diện châu Âu, chỉ có Bayern Munich, Napoli và Juventus, ba đội bóng quá vượt trội so với phần còn lại tại Bundesliga và Serie A là có tỉ lệ ấn tượng hơn.
Ấn tượng hơn nữa, cự ly trung bình những cú dứt điểm làm tung lưới Atletico lên tới 19m. Điều đó có nghĩa để xuyên thủng mành lưới đội bóng áo sọc đỏ trắng, chỉ có cách sút xa.
Khi có bóng, thường là ở những tình huống đối phương dâng cao tấn công và để mất bóng, Atletico tấn công còn đơn giản hơn. Đó là đưa bóng lên phía trên càng nhanh càng tốt. Phối hợp cũng được mà phất bóng cũng không sao, miễn là đến chân các cầu thủ tấn công nhanh nhất có thể, khi đối thủ chưa kịp co đội hình về phòng ngự.
Nhìn chung, mỗi trận đấu với Atletico là một trận chiến ác liệt, đừng nên chờ đợi tính giải trí ở những trận đấu có đội bóng này tham gia. Và lẽ đương nhiên, mỗi cầu thủ Atletico đều là một chiến binh.
Những trận đấu có sự góp mặt của Atletico luôn đầy cảm xúc
Họ chiến đấu thay vì chơi bóng và chạy không biết mệt suốt 90 phút. Bằng chứng là các cầu thủ áo đỏ trắng di chuyển từ 10-12km (các đội bóng thông thường di chuyển trung bình 8-10km mỗi trận) và thực hiện 13,7 pha phạm lỗi mỗi trận.
Và để duy trì sự máu lửa cho các học trò, chính Simeone là người máu lửa nhất. Ông hò hét, dùng đủ mọi mánh lới, chiêu trò, như cái cách ông từng ăn vạ khiến thiên thần David Beckham bị truất quyền thi đấu tại World Cup 1998, để làm lợi cho đội bóng, giảm tải áp lực đồng thời kích thích sự hưng phấn cho các cầu thủ.
Sau mỗi chiến thắng của Atletico lại xuất hiện những ý kiến chỉ trích về lối chơi xấu xí của đội bóng này. Nhưng khi nhìn lại, cả Tây Ban Nha cần phải cảm ơn Simeone. Nhờ ông, La Liga bớt nhàm chán bởi sự thống trị của hai gã khổng lồ Real và Barca. Nhờ ông, xứ bò tót có thêm một mũi xung kích lợi hại nữa tại đấu trường Champions League.
Và nhờ ông, người hâm mộ lại được trải qua cảm giác hồi hộp đến từng phút, dù sướng run người trong chiến thắng phút cuối hay thấp thỏm lo âu rồi thất vọng tràn trề sau trận thì những cảm xúc ấy vẫn đáng giá hơn nhiều việc xem một trận đấu an bài từ phút 45. Bởi vậy, nếu đi đến tận cùng sự xấu xí Simeone tạo ra sẽ thấy sự xấu xí ấy đẹp vô cùng.
VIDEO: Diego Simeone - Jose Mourinho mới |
---|
NỘI DUNG SẼ XUẤT HIỆN TẠI ĐÂY Độ cao sẽ thay đổi tùy theo nội dung đã xuất bản |