LỊCH SỬ VÀ NHỮNG ĐỔI THAY
Kỹ sư Alberto Cugini và kiến trúc sư Ulisse Stacchini là những người thiết kế nên sân San Siro, khi ấy chỉ có sức chứa 35.000 chỗ ngồi. Chi phí xây dựng là 5 triệu lire, đủ mua 550 chiếc xe Mercedes “sang chảnh” vào thời đó. Nó được hoàn thành sau vỏn vẹn 13 tháng rưỡi, và khánh thành ngày 19/9/1926, trong trận đấu mà Milan để thua Inter 3-6.
Hội đồng thành phố Milan mua lại SVĐ vào năm 1935, và 4 năm sau nó được nâng cấp thêm 15.000 chỗ ngồi. ĐT Anh là những khách mời danh dự cho buổi ra mắt sân sau khi sửa chữa, vào ngày 13/5/1939.
Inter trở thành đồng sở hữu sân với Milan vào năm 1947, và hai đội vẫn chung “nhà” kể từ đó cho tới nay. Một thập kỷ sau ngày Nerazzurri giành nửa quyền sở hữu San Siro, các bộ đèn pha được lắp đặt để phục vụ các trận đấu thuộc đấu trường châu Âu. Một số trận đấu, người ta thống kê có tới 100.000 đèn pha được sử dụng.
Năm 1967, San Siro bắt đầu sử dụng bảng tỉ số điện tử. Ngày huyền thoại Meazza qua đời ở tuổi 68 vào năm 1979, sân San Siro được đặt tên chính thức theo ông. Cựu cầu thủ từng 2 lần vô địch World Cup đã chơi cho cả 2 CLB thành Milan, vì vậy ông được tôn vinh bởi cả 2 đội.
Cấu trúc của SVĐ ngày nay đã được làm mới. Để chuẩn bị cho World Cup 1990, tầng 3 khán đài đã được xây thêm, nâng tổng sức chứa của sân lên 87.500 chỗ, đồng thời tất cả khán đài được lắp ghế. 11 tòa tháp bên ngoài sân được bổ sung năm 1987, 4 trong số đó nằm ở 4 góc để nâng đỡ mái che.
Sân San Siro đã sẵn sàng cho chung kết Champions League 2015/16
Thiết kế bên trong SVĐ San Siro giống như một đấu trường La Mã. Những đối thủ của Milan và Inter khi đến đây đều phải chịu một cảm giác thù địch đến nghẹt thở, một cơn ác mộng với những đội bóng tâm lý chưa đủ vững.
Tuy nhiên, do kể từ đó tới nay Giuseppe Meazza – San Siro chưa nhận được sự đầu tư nào đáng kể, sân đã bắt đầu xuống cấp. Milan tính toán rằng 60% những chấn thương của mùa 2011/12 đến từ những trận đấu tại đây, buộc họ tính tới phương án thay mặt sân. Inter đồng ý, và rồi công ty Desso của Hà Lan được thuê để phủ một lớp cỏ mới lên sân, vào tháng 6 năm 2012. Công đoạn này khiến 2 đội bóng tốn 200.000 bảng.
Nhà báo Dario Donato sinh sống ở một căn hộ ngay gần sân San Siro. Ông cho biết: “Tôi có thể nhìn SVĐ từ ban công nhà mình. Gia đình tôi nghe được những thanh âm vang lên sau mỗi bàn thắng từ trước khi nó được phát trên TV. Tôi sẽ không đánh đổi lợi thế tuyệt vời này lấy bất cứ đâu, dù là một ban công nhìn ra biển ở Maldives chăng nữa”.
“Quả là đây không phải sân bóng hiện đại nhất châu Âu, nhưng nó chỉ cần một chút thay đổi thôi nếu muốn thế. Nó không chỉ đẹp vì kiến trúc, mà còn vì những xúc cảm và những âm thanh nó mang lại. Đó là lý do San Siro luôn không thể thay thế”.
Và cũng đừng nghĩ San Siro chỉ dành cho những gã cầu thủ cơ bắp, khô khan. Siêu sao ca nhạc Bob Marley đã biến nơi đây thành buổi biểu diễn đầu tiên tại Italia của mình vào ngày 27/6/1980. Bruce Springsteen, Bob Dylan, U2, Depeche Mode và Rolling Stones theo sau, tạo nên những đêm nhạc vô cùng hoành tráng. Ngay cả One Direction cũng không thể cưỡng lại sức hút từ San Siro.
Buổi diễn hoành tráng của Bob Marley tại San Siro
ĐIỂM ĐẾN CỦA NHỮNG TRẬN ĐẤU LỚN
Trở lại với bóng đá, từng có 3 trận chung kết cúp C1/Champions League được tổ chức tại đây. Năm 1965, những chàng trai Inter dưới sự chỉ đạo của Helenio Herrera đã đánh bại Benfica để lên ngôi vô địch với tỉ số tối thiểu.
Năm năm sau, Feyenoord trở thành đội bóng Hà Lan đầu tiên lên ngôi tại đấu trường châu lục sau chiến thắng bất ngờ ở hiệp phụ trước Celtic. Lần gần nhất cúp C1/Champions League được trao ở Milan là năm 2001, khi Bayern Munich vượt qua Valencia sau loạt đá luân lưu.
Cũng không thể không nhắc tới Andriy Shevchenko. Chân sút người Ukraine đã ghi một bàn thắng để đời ở bán kết lượt về Champions League năm 2003 để giúp Milan loại Inter, qua đó đưa Rossoneri tiến vào chung kết rồi giành chức vô địch. “Những ánh đèn luôn sáng rực ở San Siro, với tôi đó là SVĐ lộng lẫy nhất thế giới”, Sheva sau này bùi ngùi hồi tưởng.
Người Đức cũng sẽ nhắc tới San Siro với một nụ cười hạnh phúc. Tại World Cup 1990, đoàn quân của Franz Beckenbauer đã chơi 5 trận trên sân San Siro, thắng tới 4 trước khi trở thành nhà vô địch thế giới lần thứ 3 trong lịch sử. Lothar Matthaeus và đồng đội ghi tới 13 bàn ở Milan, trong đó có những màn vùi dập UAE và Nam Tư cũ.
Klinsmann ăn mừng sau bàn thắng vào lưới Hà Lan năm 90
Nhưng đừng nhắc tới San Siro với người Argentina. Cũng mùa Hè năm 90, Diego Maradona và đồng đội đến đất nước hình chiếc ủng với muôn vàn kỳ vọng và tư cách ĐKVĐ thế giới, nhưng lại thua ngay trận mở màn trước Cameroon dù đội bóng châu Phi phải chơi thiếu người sau thẻ đỏ của Benjamin Massing.
Diego Simeone, cũng là một người Argentina, sẽ muốn thay đổi cái dớp đó. Ông sẽ trở lại San Siro vào thứ Bảy tới, sau 17 năm xa cách (Simeone từng chơi tại Inter từ 1997 đến 1999). Thuyền trưởng của Atletico đã cùng các cầu thủ Nerazzurri đánh bại Real Madrid trên sân San Siro tại trận đấu vòng bảng Champions League 1998/99.
Phía bên kia chiến tuyến, Zinedine Zidane cũng từng có ký ức đẹp với sân San Siro. Ông là bộ não của Juventus “vùi dập” Milan 6-1 trong khuôn khổ Serie A ngày 6/4/1997. Chính Zizou là tác giả bàn thắng thứ 2 của Bianconeri từ tình huống đá phạt đền.