Một thống kê thú vị về tiền chuyển nhượng của những CLB Ngoại hạng Anh trong giai đoạn 2010/11 - 2014/2015. Theo đó, không lạ lẫm khi Man City chi tiêu nhiều nhất với 466 triệu bảng. Lần lượt sau đó là Chelsea (326 triệu bảng), M.U (273) và Liverpool (211).
Nhưng sẽ thực sự gây sốc nếu biết đội bóng chưa từng rơi ra khỏi Top 4 trong 20 năm qua, Arsenal mua sắm còn kém hơn West Ham (88 triệu bảng) và QPR (90). Cụ thể, Pháo thủ mới bỏ ra 87 triệu bảng vào TTCN, tức là nhiều hơn đội đứng thứ 17 mùa trước là Sunderland có 2 triệu bảng.
Sau mỗi năm tài khóa, BLĐ Arsenal lại vui mừng thông báo những khoản lợi nhuận khổng lồ. Nói vậy để biết Arsene Wenger chưa bao giờ thiếu tiền mua sắm. Mùa trước Pháo thủ mua Petr Cech và Mohamed Elneny với tổng giá trị xấp xỉ 15 triệu bảng.
Xhaka là tân binh duy nhất của Arsenal đến thời điểm này
Đến mùa Hè này, mọi chuyện vẫn đang dừng lại sau thương vụ Granit Xhaka tiêu tốn khoảng 37 triệu bảng. Nếu Arsenal thành công và mang về phòng truyền thống nhiều hơn 2 chức vô địch FA Cup trong suốt 11 năm qua, Wenger đã là nhà kinh tế đại tài.
Nhưng buồn cho Wenger, không chỉ thất bại trong việc tranh chấp danh hiệu, ông còn mang tiếng là kẻ kẹt xỉn, có tiền mà không mua sắm. Trong mùa 2016/17, cả M.U, Man City và Chelsea – 3/4 thế lực gần nhất giành danh hiệu Ngoại hạng Anh đồng loạt thay tướng. Điều đó càng làm người hâm mộ có thêm động lực để tăng sức ép lên Wenger.
Vậy Wenger còn chờ đợi cái gì mà không điên cuồng mua sắm? Có thể, ông đang rối loạn ngay trong hệ tư tưởng. Giai đoạn 1997-2004, Arsenal vô địch Ngoại hạng Anh đến 3 lần mà chẳng bao giờ góp mặt trong danh sách phá kỷ lục chuyển nhượng.
VIDEO: Arsenal sẽ đưa cầu thủ nào về Emirates? |
---|
ĐANG TẢI VIDEO... Vui lòng chờ trong giây lát. |
Đội hình Arsenal thời đó là sự pha trộn của những tân binh tạo điểm nhấn, trong một tập thể cây nhà lá vườn đúng nghĩa. Wenger tự hào vì thế hệ học trò mình từng dày công đứng lớp và tự tin có thể tái hiện vào một ngày không xa.
Nhưng theo thời gian, mọi giá trị đều không còn như xưa. Cách làm việc cũ không còn phát huy hiệu quả và Wenger buộc phải thay đổi. Nhưng không thể để hình ảnh “Giáo sư” đạo mạo gây dựng bấy lâu bị sụp đổ, Wenger tiếp cận TTCN một cách nhanh chóng và rụt rè.
Wenger không muốn biến Arsenal thành một đội bóng thị trường nhưng đồng thời cũng không thể cưỡng nổi xu thế. Hình dạng Arsenal theo đó cũng méo mó và chẳng đi theo một định hướng cụ thể nào. Hãy cứ tin nếu tiếp tục duy trì Wenger, sẽ chẳng có cuộc cách mạng nào diễn ra tại Emirates.