Bóng đá là cuộc đời
Có khoảng 40 người theo học một khóa đào tạo HLV mà Mauricio Pellegrino cũng là một thành viên, khi ông còn là cầu thủ của Valencia hồi năm 1999. Rất tò mò không hiểu những người ấy theo học khóa này vì lý do gì, Pellegrino quyết định đến hỏi từng người. Và câu trả lời của họ rất đa dạng, chỉ có điều không ai có mục tiêu giống ông cả. Có người xem bóng đá là nghề, có người vì tiền, có người vì... không biết làm gì khác nữa. Mauricio Pellegrino hỏi một người:
- Thế nếu một CLB nhỏ ở giải hạng Ba mời ông về làm việc thì ông có nhận không?
- Không.
- Thế thì ông không hợp với nghề này đâu.
Câu trả lời của Pellegrino cũng đã xác định rõ lập trường của ông. “Nếu không vì bóng đá, chả đời nào tôi rời gia đình,” Pellegrino từng nói. Là một người sống nội tâm, bóng đá là cuộc đời của Pellegrino. Ông cũng từng nói với một học trò rằng thông qua bóng đá, ông đã học cách thể hiện bản thân tốt hơn.
Pellegrino có tố chất HLV từ khi còn đang thi đấu. Louis van Gaal từng nói: “Cậu ấy sớm muộn gì cũng trở thành một HLV giỏi”. Bạn sẽ hiếm khi nghe Van Gaal dành những lời khen kiểu như thế cho một cầu thủ khác. Khi còn thi đấu, Pellegrino cũng chưa từng tự phụ vào bản thân. Ông quá cao, nhưng lại mảnh khảnh và khá lóng ngóng khi xử lý bóng. Bên cạnh đó, Pellegrino còn gặp vấn đề về lưng.
Nhưng ở Pellegrino có những phẩm chất mà các đồng đội lẫn HLV, từ Barcelona, Valencia cho đến Liverpool đều trân trọng. Đồng đội cũ của Pellegrino, Roberto Ayala nói: “Anh ấy buộc bạn phải suy nghĩ”. Đấy là vì Pellegrino luôn suy nghĩ. Santi Canizares, một đồng đội khác ở Valencia, thì nói: “Anh ấy chia sẻ kinh nghiệm với tất cả: lắng nghe, cho lời khuyên, phân tích, đặt mình vào vị thế của người khác. Anh ấy gần giống như một nhà tâm lý. Có thể chưa phải là trung vệ giỏi nhất, nhưng anh ấy là trung vệ mà HLV quý nhất. Anh ấy có thái độ tích cực, không ghen tỵ, không tức giận và luôn nghĩ về tập thể. Anh ấy bị ám ảnh bởi đội bóng, luôn lãnh trách nhiệm và xấu hổ bởi thất bại. Tôi không thấy nhiều kiểu cầu thủ như thế. Có ba thứ đặc biệt ở anh ấy: sự khiêm tốn khủng khiếp, sự chuyên nghiệp tuyệt đối và không bao giờ ăn mừng chiến thắng”.
Trường đời muôn nẻo
Pellegrino từng thừa nhận: “Bóng đá là trường đời của tôi, nhưng tôi có một nghịch lý khi còn là cầu thủ: tôi không thực sự tận hưởng nó”. Và vì thế, Pellegrino xem việc giúp cho cầu thủ tận hưởng bóng đá là nghĩa vụ của mình. Ông nói với tờ El Pais: “Ở Argentina, bóng đá chính là văn hóa. Thua cuộc là một bi kịch, chiến thắng là tạm chấp nhận thôi, vì nó có nghĩa là bạn không thua. Sự ghẻ lạnh của công chúng sau một trận thua làm sức chiến đấu của chúng tôi lớn hơn”.
Nói một cách ngắn gọn: với Pellegrino, bóng đá là phải làm mọi cách để không thua. “Điều đó ám ảnh anh ấy,” một người bạn của Pellegrino nói.
Họ gọi Pellegrino là Flaco, tức chàng trai mảnh khảnh, ở mọi nơi mà ông đi qua. Ngoại trừ Barcelona, vì ở đó đã có một Flaco duy nhất: Johan Cruyff. Pellegrino chưa từng có duyên làm việc cùng Cruyff, nhưng ông từng là môn đồ của Van Gaal, người luôn thấy gì đó đặc biệt ở ông.
Ở Valencia, Claudio Ranieri cũng thấy và sau này là Hector Cuper. Dưới thời Cuper, Pellegrino và các đồng đội không thể vô địch Champions League, và Pellegrino thậm chí còn sút hỏng quả luân lưu quyết định, trong trận chung kết với Bayern năm 2001. Bù lại cho hai trận chung kết Champions League thất bại, Valencia đã vô địch La Liga hai lần trong ba năm. Họ đã vượt qua những Galacticos hùng mạnh của Real Madrid. “Kiến trúc sư” của chức vô địch ấy, Rafa Benitez, đã mang Pellegrino theo cùng khi ông rời Valencia đến Liverpool.
Ở Merseyside, Pellegrino chỉ đá có một mùa, nhưng sau đó ông trở lại làm trợ lý cho Benitez vào năm 2008. Một cựu cầu thủ của Liverpool nói thời gian ấy Pellegrino đóng vai “người Argentina trầm lặng”, chỉ quan sát và lắng nghe.
Lắng nghe là thói quen tuyệt vời của Pellegrino. Ông bảo mình đã học cách tổ chức một đội bóng từ Marcelo Bielsa, cách tạo ra khoảng trống từ Van Gaal, sự ám ảnh bởi chiến thuật từ Benitez và cuối cùng là văn hóa chơi bóng và sống từ nước Anh. Và bây giờ, ông sẽ tiếp tục vừa làm việc, vừa học từ trường đời vĩ đại mang tên bóng đá.
Premier League lại có thêm một HLV xuất sắc.
Đừng để mất văn hóa bóng đá Theo Pellegrino, mỗi nền bóng đá đều có một văn hóa bóng đá riêng mà mọi người nên cùng chung tay duy trì. Ông nói: “Ngày nay, người ta ít niềm tin hơn vào tôn giáo, họ cũng chả còn tin vào những chính trị gia. Thứ duy nhất chúng ta còn là niềm tin vào màu áo của CLB. Nó là thứ theo một gia đình cả đời, từ ông truyền cho cha, cha truyền cho con, con truyền cho cháu. Màu áo ấy kết nối nhiều thế hệ. Đừng để mất đi văn hóa ấy”. Sợ cả... chiến thắng Santi Canizares bật cười khi nhớ về câu hỏi của Pellegrino trước trận chung kết Champions League 2001 (Valencia - Bayern Munich): “Điều gì xảy ra nếu lỡ ta thắng? Làm sao ta còn lấy lại được sự khiêm tốn đây?”. Và Canizares đã đáp: “Cái quái gì vậy Flaco? Cứ thắng đã rồi suy nghĩ được không?” |