Một bài hát nổi tiếng của một nhạc sĩ nổi tiếng có câu nổi tiếng: “Em hồn nhiên, rồi em sẽ bình yên”. Câu này hay được dùng trong đời thường, nhưng với ý nghĩa ai đơn giản quá thì khó sống. Trong bóng đá, ĐT Anh bấy lâu nay bị cho là ngây thơ, chơi thứ bóng đá đơn giản, đậm chất Anh nên khó thành công ở giải lớn. Sven Goran Eriksson, cựu HLV ĐT Anh, từng nói: “Tôi phải dặn các học trò nhiều lần là trong các buổi tập, đừng có “máu” quá. Hãy nhìn những người Italia, họ gần như không làm gì trong các buổi tập hay các trận giao hữu. Chỉ đến khi vào trận chính thức, họ mới bung sức”.
Eriksson thành công trong bóng đá Italia nhưng không mấy thành công khi dẫn dắt ĐT Anh, vì lý do không thuộc về chuyên môn mà thuộc về tâm lý nhiều hơn. Tam sư của Eriksson thua ở VCK EURO 2004 và World Cup 2006 đều sau loạt sút luân lưu 11m trước Bồ Đào Nha. Ở World Cup 2002, Anh thua Brazil, đội sau đó vô địch World Cup, vì sự xuất sắc của Rivaldo cùng bàn thắng “trời ơi đất hỡi” như chính thừa nhận của tác giả bàn thắng ấy là Ronaldinho.
Nói như thế để thấy rằng nếu có thêm chút may mắn, ĐT Anh của Eriksson đã có thể làm chuyện lớn. HLV nổi tiếng người Thuỵ Điển này nói rằng các cầu thủ Anh thuộc loại khó dạy nhất thế giới, bởi họ quá bảo thủ (đã trở thành truyền thống), quá phớt ăng-lê và nói chung là khả năng chuyên môn chỉ có như thế, muốn thay đổi cũng khó.
Bóng đá Anh nói chung và ĐT Anh nói riêng chơi thứ bóng đá lật cánh đánh đầu, chạy và sút. Premier League du nhập chất la-tin từ nhiều nghệ sỹ sân cỏ, các đội bóng lớn của Anh chơi mềm mại, đẹp mắt nhưng chủ yếu xuất phát từ lực lượng cầu thủ đánh thuê từ nước ngoài. Theo cựu HLV ĐT Anh Glenn Hoddle thì về bản chất, các cầu thủ Anh xưa nay vẫn vậy. ĐT Anh của Hoddle đã chơi hay ở World Cup 1998, cống hiến cho khán giả một trận đấu cực kỳ cảm xúc (gặp Argentina) và chỉ chịu rời giải cũng bởi thất bại ở loạt sút luân lưu 11m. Vấn đề tâm lý, là câu chuyện khác về Tam sư. Ở đây, Hoddle nhấn mạnh rằng lối chơi đơn giản của người Anh vẫn có thể đem lại thành công, nếu biết phát huy tối đa và đúng lúc.
ĐT Anh có những cầu thủ chuyền tốt, sút xa tốt, chơi đầu tốt và dứt điểm tốt, không cần màu mè hoa lá cành. Ở hàng thủ, Tam sư chỉ có những hậu vệ chơi theo kiểu “an toàn là bạn”, chứ không có những nghệ sĩ kiểu Alessandro Nesta hay Rio Ferdinand. Đặc thù của mỗi nền bóng đá khác nhau, người Anh thích John Terry hơn Rio Ferdinand trong khi người Italia lại thích Alessandro Nesta hơn Claudio Gentile. Chuyện yêu thích, cũng không có gì phải bàn cãi vì không thể bắt người khác thích giống mình. Quan trọng là, cái thích đó đem lại hiệu quả (hay hậu quả) gì.
ĐT Anh thích những gì thuộc về người Anh. Ổn thôi! Trong tay HLV Roy Hodgson lúc này là một tập thể có sức trẻ, kinh nghiệm, tài năng và khát vọng. Sự tươi mới đến từ những cái tên như Kane, Vardy, Dier, Alli, Lingard hay thậm chí là Rashford có thể đem lại khác biệt cho ĐT Anh ở EURO 2016, nếu Hodgson chọn họ vào danh sách dự giải. Ở EURO 2012, Anh đã chơi tốt, lăng xê thành công Danny Welbeck. So với 4 năm trước, năm nay ĐT Anh có đội hình chất hơn, sau khi thi đấu rất tốt ở vòng loại. Điều quan trọng là các cầu thủ Anh chơi bóng với sự hài lòng về chính mình, rất tự tin và cũng rất biết cách phát huy những điểm mạnh vốn có. Đó là nhận xét của HLV Didier Deschamps của ĐT Pháp, sau khi Les Bleus thua Tam sư trong một trận giao hữu. Trước đó, Pháp đánh bại ĐKVĐ thế giới Đức.
Bóng đá không có tính bắc cầu như toán học, giao hữu cũng khác đá thật. Nhưng, ĐT Anh vẫn có quyền tin “Em hồn nhiên, rồi em sẽ bình yên”.