Trong một cuộc bình chọn đầy uy tín gần đây, người ta công bố một bản danh sách gọi là “50 nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất thế giới bóng đá”. 5 vị trí đầu tiên: Gianni Infantino (Chủ tịch FIFA); Karl-Heinz Rummenigge (GĐĐH Bayern, chủ tịch Hiệp hội các CLB châu Âu); Aleksander Ceferin (Chủ tịch UEFA); Richard Scudamore (Chủ tịch điều hành Premier League); Jorge Mendes (nhà đại diện).
Chỉ có 3 cầu thủ xuất hiện trong Top 20, với Lionel Messi đứng ở vị trí cao nhất (7). Cũng trong Top 20 có cả Vitaly Mutko, với chức danh.... Phó thủ tướng Nga. Thậm chí còn có một nhân vật mà cả thế giới thật ra... không biết là ai. Đó là: John, đến từ trang Football Leaks - “nhân vật” có quyền lực mạnh thứ 16 trong thế giới bóng đá!
Chẳng ai phán bừa! Đấy là sự đúc kết công phu của các cây bình luận danh tiếng nhất, đến từ các tập đoàn truyền thông phổ biến nhất, sau khi mổ xẻ mọi ngóc ngách trong cái gọi là thế giới bóng đá nhà nghề. Họ đều là những “người phán xét” có tiếng nói đầy trọng lượng. Họ vẽ nên một thế giới hoàn hảo cho bóng đá nhà nghề - với vỏn vẹn 3 trong 20 chỗ đứng trang trọng nhất thuộc về thành phần mà người hâm mộ chân chính nghĩ là quan trọng mỗi khi bàn về bóng đá: cầu thủ.
Bây giờ, khi thị trường chuyển nhượng chuẩn bị khép lại, một lần nữa chúng ta lại nghe cái từ quen thuộc: “điên rồ”. Hình như, chẳng có mùa Hè nào mà những “người phán xét” trong thế giới bóng đá lại không thốt ra từ ấy. Kylian Mbappe, 18 tuổi, được định giá một cách điên rồ.
Cái giá 222 triệu euro cho Neymar dĩ nhiên cũng điên rồ. Tổng doanh số chuyển nhượng của Premier League hoặc 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu, nói chung đều điên rồ hết.Mùa Hè 2017 là một mùa chuyển nhượng điên rồ. Điên hơn mùa Hè 2016. Nhưng rất có thể, mùa Hè 2018 sẽ lại... điên hơn. Xưa nay đã luôn như vậy rồi. Nhưng tóm lại, ai... điên?
Ai chi tiền để PSG có Neymar và Mbappe? Ai quan sát, quản lý hoặc phê chuẩn những cuộc chuyển nhượng điên rồ ấy? Dĩ nhiên đấy không phải là các cầu thủ. Đấy là Nasser Al Khelaifi, Infantino, Ceferin..., là những nhân vật có quyền lực và ảnh hưởng lớn nhất thế giới bóng đá.
Người ta cố gắng phân tích mọi lẽ để khẳng định thế giới bóng đá “quay đều” không phải nhờ các cầu thủ, mà nhờ vào những bộc óc siêu phàm kia. Rồi người ta lại chỉ vào cái sản phẩm trong tay những nhân vật siêu phàm ấy, nhìn vào cái thế giới bóng đá do họ nhào nặn, để phán: “điên rồ”. Như thế cũng đã là một câu chuyện... điên rồ.
Bóng đá không còn là trò chơi thuần túy như lúc người Anh nghĩ ra trong thế kỷ 19 nữa. Bóng đá từ lâu đã nhuốm màu, hoặc trở thành chính trị, thương mại. Kết luận này đã xưa lắm rồi. Có lẽ cựu cầu thủ Uli Hoeness chẳng cần ai nhắc điều ấy. Hoeness thành công rực rỡ trong vai trò quản lý hơn lúc ông còn chơi bóng. Vậy mà mỗi khi có dịp, Hoeness đều nói một câu quen thuộc. Hơn chục năm trước, câu ấy là “Không có cầu thủ đáng giá 20-30 triệu”. Bây giờ: “Không có cầu thủ đáng giá hàng trăm triệu”.
Ngay cả một câu chỉ trích mà còn phải... theo thời giá, vậy đâu có gì lạ khi giá cầu thủ năm nay cao hơn năm trước, hoặc cao hơn rất nhiều so với hàng chục năm trước. Bây giờ, bóng đá là do thị trường quyết định, hơn là sân cỏ. Những ông chủ lớn có thể chi hàng trăm triệu cho Neymar hoặc Mbappe. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ cũng dễ dàng chi ra một triệu euro cho một ngôi sao Đông Nam Á. Điên... khôn đấy!