CUỘC HẸN Ở ĐẢO YẾN - VŨNG CHÙA
Đầu tháng 11/2013, tôi được mời tham chuyến hành hương về đảo Yến - Vũng Chùa (Quảng Bình), nơi an nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng những CĐV nhiệt thành nhất, đến từ Bắc - Trung - Nam
Tôi hỏi ông giáo Nguyễn Mạnh Hiền, một CĐV khá nổi tiếng, là tại sao lại tổ chức cuộc hẹn ở đây? Ông giáo trả lời rằng: “Trước một sự kiện lớn, anh em CĐV muốn hội ngộ ở nơi Đại tướng an nghỉ để có thêm sức mạnh, lòng quyết tâm trong hành trình cổ vũ đội nhà chinh phục SEA Games”.
Qua những câu chuyện trên chuyến xe, tôi lờ mờ hiểu ra dụng ý của cuộc hội ngộ ở đảo Yến - Vũng Chùa. Kinh tế khủng hoảng, sự bí ẩn của Myanmar và sự ngăn cản của gia đình khiến nhiều người không còn mặn mà với việc đi cổ vũ.
Do vậy, những người có điều kiện kinh tế như Sáng “Củ Chi” và Hoàn “pháo” đã dùng rất nhiều chiêu thức để đảm bảo rằng trên các khán đài SEA Games vẫn có những bóng áo đỏ Việt Nam, ví dụ như hứa “cấp viện trợ không hoàn lại” cho đồng đội, dù về sau chẳng ai đề nghị giúp đỡ.
Với tính phóng khoáng của người Nam bộ, Sáng “Củ Chi” tuyên bố: “Khó khăn thì anh cứ cố gắng đi. Thiếu đâu tui lo. Năm nào cũng đi với tuyển, giờ bỏ rơi tụi nhỏ nghe kỳ lắm. Có khó thì người ta mới cần mình cổ vũ chớ”. Và sau cuộc hội ngộ đó, chẳng có ai từ chối nữa vì lý do gì nữa.
ĐỪNG KHÓC KHI BẠI TRẬN
Cuối cùng, những chiến binh thầm lặng của bóng đá Việt Nam cũng có mặt ở Myanmar. Dù không đông đảo, nhưng họ vẫn quyết định chia nhóm để đảm bảo rằng, ở đâu có thi đấu, ở đó có quốc kỳ và những tiếng hô Việt Nam vang dậy. Ở Mandalay, ông giáo Hiền một mình cắm chốt. Đại quân của CĐV Việt Nam đóng ở Nay Pyi Taw.
Đáng nói ở chỗ, khi U23 Việt Nam bị loại, đa phần các CĐV rời khỏi Nay Pyi Taw, vẫn có hai người ở lại, đó là Quê “râu” và Tuấn “trâu vàng”. Và với họ, những ngày ở đó thật dài, thật đáng nhớ. Quê “râu” kể rằng: “Khi ĐT U23 thua trận và bị loại, tôi buồn khôn tả. Nhưng tự động viên mình không được khóc khi thất bại. Nước mắt phải để dành cho chiến thắng bởi còn nhiều VĐV của những môn thể thao khác cần tiếng trống, cần sự hiện diện của tôi trên các khán đài”.
Cùng với người bạn đồng hành Tuấn “trâu vàng”, Quê “râu” cùng với bộ trang phục rất chất và tiếng trống điệu nghệ của mình đã có mặt ở mọi điểm nóng ở Nay Pyi Taw. Nhiều VĐV sau khi đăng quang ngôi vô địch nhất định mời bộ đôi này xuống cùng hát Quốc ca khi nhận huy chương như một lời cảm ơn chân thành nhất.
Thầy giáo Hiền (cầm cờ Việt Nam) cùng những người bạn Myanmar
Đặc biệt ở chỗ, hai CĐV này không biết một từ tiếng Anh và những ngày ở Nay Pyi Taw là cả một hành trình đầy vất vả. Họ phải thuê riêng một chiếc xe ô tô với chi phí cả ngàn USD để dễ tìm đường đến các nhà thi đấu.
Và còn một kỷ niệm không thể quên đó là việc, do đi lại nhiều, căn bệnh gout của Tuấn “trâu vàng” tái phát. Ông viết ký hiệu chữ Thập để nhờ đưa đi mua thuốc thì lái xe lại chở đến viện quân y. Ác nỗi, giữa bác sĩ và bệnh nhân không thể giao tiếp với nhau, kể cả gọi điện về Việt Nam nhờ bác sỹ trao đổi. Cuối cùng, lại bằng khả năng diễn và ngôn ngữ hình thể mà anh đã nhận được thuốc giảm đau để hôm sau tiếp tục chinh chiến trên các khán đài.