Quyền Chủ tịch LĐBĐ Việt Nam (VFF), ông Lê Hùng Dũng đã gửi gắm niềm tin mãnh liệt về tương lai của bóng đá Việt Nam, trong cuộc đối thoại nhân dịp Năm mới 2014 với báo Bóng đá.
CỐ GẮNG ĐỂ BÓNG ĐÁ VIỆT NAM CÓ NHỮNG ĐỘT PHÁ MỚI
Phóng viên: Lời đầu tiên xin được chúc mừng ông ở cương vị mới: Quyền Chủ tịch VFF. Ngay ở phút giây này đây, ông có thể chia sẻ cảm xúc của mình với độc giả của báo Bóng đá khi quyết định ngồi vào chiếc ghế mà ai cũng biết là rất “nóng”?
Ông Lê Hùng Dũng: Xin cám ơn những tình cảm và sự quan tâm của độc giả báo Bóng đá đã dành cho tôi! Tôi có rất nhiều cảm xúc khi tiếp quản “chiếc ghế nóng” từ Cựu Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ, một người anh, người đồng chí và người bạn của tôi. Tôi coi đây vừa là vinh dự cá nhân, vừa là bổn phận của một công dân đối với đất nước. Tôi hứa sẽ cố gắng làm những gì tốt nhất để giúp bóng đá Việt Nam tiếp tục phát triển và có những cú đột phá mới.
- Vậy những người thân trong gia đình nghĩ sao về quyết định “mạo hiểm” của ông?
+ Ban đầu, cũng có những e ngại, nhưng nhìn chung là tôi nhận được sự ủng hộ rất lớn từ gia đình. Tôi chia sẻ rằng, nếu thời chiến phải xung phong ra trận đánh giặc, thì bây giờ ở thời bình nếu có thể làm được gì cho đất nước thì phải tận hiến, vì đó là vinh dự không chỉ của cá nhân và gia đình mình...
- Ai cũng biết một doanh nhân Lê Hùng Dũng trong vai trò Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Eximbank và Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn – SJC. Phải chăng đây là điều mà dư luận, người hâm mộ đặt rất nhiều kỳ vọng ở vị chuyên gia kinh tế trên cương vị lãnh đạo số 1 của VFF?
+ Trong những năm qua, với vai trò là Chủ tịch HĐQT Eximbank, cá nhân tôi rất ủng hộ việc Eximbank “se duyên” với BĐVN. Chúng tôi đã và đang hỗ trợ hết sức nhưng phải nói thật rằng, có những lúc tôi phải chịu áp lực kinh khủng. Chẳng hạn như, khi các cổ đông thấy cầu thủ chơi xấu, đá bóng như “cơm nguội” họ gọi điện trách móc tôi, đòi cắt tài trợ. Cứ mỗi cuối tuần, ôi thôi, điện thoại của tôi như muốn “cháy” máy, những lúc ấy tôi lại phải đóng vai một… nhà hùng biện (cười lớn). Tôi không dám nhận mình là doanh nhân, hay này nọ vì những gì tôi làm có lẽ mọi người cũng đã thấy và ghi nhận. Hãy cứ để thời gian trả lời…
- Có người nói, ông là người có cá tính mạnh, quyết đoán, một “nhà hùng biện” biết cương – nhu, nhưng cũng sẵn sàng “đấu tay đôi” ở nghị trường để bảo vệ quan điểm của mình và cả tập thể. Nhưng đấy là lúc ông đang giữ cương vị Phó Chủ tịch, còn bây giờ ông là người “đứng mũi chịu sào” ở VFF. Liệu rằng, ông Lê Hùng Dũng mà cánh nhà báo, phóng viên rất thích được đối thoại, sẽ đổi thay?
+ Tôi là mẫu người không thích “vòng vo tam quốc”, cứ đi thẳng vào sự thật cho đỡ tốn thời gian. Tôi thích tranh luận, phản biện để ra vấn đề và giải quyết vấn đề. Nhưng phải nói thật trước kia, tôi có Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ làm lá chắn… nên có thể bình an lui quân (cười). Bây giờ thì khác, có bao nhiêu trách nhiệm thì tôi phải gánh hết. Tuy nhiên, dù có là gì thì tôi vẫn là tôi, miễn rằng tôi làm được việc, mang lại những điều tốt đẹp hơn cho sự phát triển của bóng đá Việt Nam.
PHẢI NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÁC GIẢI ĐẤU TRONG HỆ THỐNG GIẢI VĐQG
- Xin trở lại với câu chuyện bóng đá Việt Nam, với tư cách là người đứng đầu VFF, ông có thể bật mí về chiến lược, lộ trình trong năm 2014?
+ Theo quan điểm của cá nhân tôi, muốn có một ĐTQG mạnh thì cần phải nâng cao chất lượng các giải đấu trong hệ thống giải VĐQG. Ở đây, tôi xin đề cập đến giải VĐQG V.League và giải hạng Nhất - Eximbank. Điều đầu tiên cần làm là cải thiện, nâng cao chất lượng đội ngũ trọng tài. Tới đây, VFF sẽ giao cho Ban Trọng tài đào tạo những trọng tài trẻ có triển vọng, nhằm thay thế cho những người không đáp ứng được yêu cầu chuyên môn và đạo đức. Nhân nói tới đạo đức, chúng tôi sẽ có những biện pháp mạnh với trọng tài có biểu hiện tiêu cực. Cụ thể, nếu 2 lần bị các đội bóng, dư luận, giới chuyên môn phản ánh… chúng tôi sẽ xem xét cho ngừng điều khiển các trận đấu.
Công tác điều hành các giải đấu cũng cần phải tốt hơn. Việc tìm kiếm một người đảm đương ghế Trưởng giải rất đau đầu. Tới đây chúng ta sẽ có một vị Trưởng giải người Nhật Bản. Tôi tin với sự khách quan, cách làm việc khoa học của người Nhật, các giải đấu của Việt Nam sẽ đổi thay mạnh mẽ.
- Tài chính luôn là vấn đề sống còn của mỗi giải đấu. Trong bức tranh kinh tế hiện nay, liệu rằng bóng đá Việt Nam sẽ có một sự đột phá để thoát khỏi khó khăn?
+ Bao năm qua, các đội bóng đa phần sống dựa vào ông bầu và các doanh nghiệp. Chính vì phụ thuộc vào bầu sữa này nên các CLB gặp nhiều khó khăn, thậm chí phải “chết” khi các ông bầu từ “dọa”, rồi nghỉ chơi bóng đá. VFF cũng như Công ty CPBĐ Chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã có những sự hỗ trợ nhất định, nhưng rõ ràng đấy không phải là giải pháp bền vững. Cũng như các CLB trên thế giới, các CLB Việt Nam “chỉ sống” khi đi bằng đôi chân của mình. Và chúng ta chỉ làm được khi nâng cao chất lượng các trận đấu, giả sử nếu V.League có nhiều trận chiến sướng mắt như SLNA - HN.T&T; thì các đội bóng sẽ sống khỏe với tiền bán vé, việc kêu gọi tài trợ cũng dễ hơn…
- Có một điều mà tất cả chúng tôi rất quan tâm nữa, đấy là vấn đề đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của VFF vì đây cũng là một phần của tương lai bóng đá Việt Nam.
+ Bộ máy VFF tạm thời sẽ không có nhiều sự đổi thay. Có chăng, chúng tôi sẽ sắp xếp lại các vị trí nhằm phù hợp hơn với năng lực, chuyên môn của từng người. Đặc biệt, VFF sẽ chú trọng hơn việc quy hoạch cán bộ với tầm nhìn 5 đến 7 năm. Theo đó, trong chính sách đối ngoại, VFF sẽ đầu tư, cử cán bộ học tập ở nước ngoài, với mục tiêu là làm sao để họ kết nối, bắc nhịp cầu, đưa bóng đá Việt Nam gần hơn nữa AFF, AFC, FIFA…
“MỘT MÌNH VFF KHÔNG ĐÀO TẠO TRẺ THAY CÁC CLB ĐƯỢC”
- Kể từ sau chức vô địch AFF Suzuki Cup 2008, bóng đá Việt Nam vẫn chưa tái lập được thành tích nói trên. Mới đây, tại SEA Games 27, U23 Việt Nam không lọt vào vòng bán kết, ông muốn chia sẻ gì với NHM cả nước?
+ Chúng ta cần phải nhìn thẳng sự thật, thực lực của U23 Việt Nam chỉ đến từng đó nên phải chấp nhận. Rõ ràng, vấn đề không phải chỉ nằm ở HLV mà đó là chuyện cả một nền bóng đá. Chính vì thế, chúng ta cần có một lộ trình, cần có những chiến lược dài hơi, mạnh mẽ và đột phá hơn nữa trong đào tạo bóng đá trẻ là việc quan trọng nhất.
- Nhân nhắc đến bóng đá trẻ, U19 Việt Nam mà nòng cốt là các cầu thủ của Học viện HAGL - Arsenal JMG đang được kỳ vọng rất lớn. Vậy VFF sẽ có chiến lược đầu tư như thế nào để lứa cầu thủ này xứng đáng với kỳ vọng ấy?
+ VFF sẽ phối hợp với bầu Đức (ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai) đầu tư tốt nhất cho lứa cầu thủ này để chuẩn bị cho VCK U19 châu Á 2014 và hướng tới mục tiêu lọt vào VCK U20 Thế giới. Cụ thể, U19 Việt Nam sẽ được đi tập huấn dài ngày ở châu Âu và tham gia cọ xát tại những giải đấu đỉnh cao.
- Thực tế ngoài HAGL, thì phần lớn các CLB, địa phương đều chẳng có nhiều kinh phí để đầu tư ở lĩnh vực bóng đá trẻ. Vậy VFF sẽ làm gì để phát triển và nhân rộng mô hình này?.
+ Hiện mô hình học viện của HAGL khá thành công và sẽ được áp dụng cho Trung tâm đào tạo trẻ VFF nhưng không rập khuôn hoàn toàn. Chúng tôi sẽ tham khảo thêm nhiều trường phái bóng đá khác nhau của Anh, Tây Ban Nha, Đức… nhằm đa dạng hóa lối chơi. Điều quan trọng nhất là phải có một đội ngũ điều hành, HLV, chăm sóc cầu thủ trẻ… thật tốt.
Tuy nhiên, cần phải xác định, một mình VFF không đào tạo trẻ thay các CLB được. Đào tạo trẻ phải gắn với các CLB bởi đây chính là nơi tạo điều kiện cho các cầu thủ được thi đấu chuyên nghiệp. VFF và các CLB cần có những quan hệ tương hỗ vì cái chung của bóng đá Việt Nam.
- Cũng không thể không nhắc đến ĐT nữ Việt Nam. Ngay từ lúc này, hàng triệu NHM nước nhà đang ngóng chờ các cô gái chúng ta sẽ đi vào lịch sử với việc sẽ giành chiếc vé dự World Cup 2015 tại Canada?
+ Tất nhiên, bóng đá nữ nằm trong danh mục đầu tư trọng điểm trong năm 2014 này. Phải nói rằng, ĐT nữ Việt Nam đã và đang có những bước tiến kỳ diệu. Chắc chắn, họ sẽ nhận được sự đầu tư đặc biệt để chuẩn bị cho VCK Asian Cup nữ trên sân nhà năm 2014. Để hoàn thành mục tiêu lịch sử này, giải VĐQG nữ sẽ được được cải thiện chất lượng chuyên môn. Cụ thể, NutiFood sẽ tài trợ cho giải đấu. Đây là một tin tốt lành đối với các cô gái của chúng ta.
CHUYỆN MỘT NGƯỜI LÍNH THỜI BÌNH
- Có lẽ đã đến lúc nói về ông, một người đặc biệt, một nhân vật đang là tâm điểm chú ý của dư luận. Không biết cơ duyên nào đưa ông đến với bóng đá?
+ Tôi đến với bóng đá khá sớm. Sau giải phóng miền Nam năm 1975, bấy giờ tôi mới 21 tuổi và đang phụ trách quân quản, rồi chi đoàn Long Xuyên (An Giang). Hồi đó mê quá, tôi lên tỉnh đội mượn cả chiếc xe tải và chính mình cầm lái chở anh em đi du đấu khắp Châu Đốc, Tiền Giang... Năm 1997, tôi chính thức tham gia LĐBĐ Việt Nam, cho đến nay chỉ có khóa IV là tôi bị gián đoạn, còn lại tôi đều có mặt đầy đủ. Nói chung, bóng đá đã ăn vào máu, xa nó tôi không chịu nổi. Âu đó cũng là cái duyên.
- Được biết ngoài bóng đá, ông còn là người mê chơi golf, bây giờ phải ngồi nhiều bàn, ký nhiều tay, không biết ông sẽ dành thời gian cho môn “số 2” này như thế nào?
+ Hồi trước, cuối tuần tôi thường tranh thủ làm mấy gậy cho thỏa đam mê, bây giờ chắc là cuối tuần dính ông bóng đá nên khó. Có thể, tôi sẽ phải sắp xếp thời gian giữa tuần, tranh thủ ngoài giờ đi vụt mấy gậy cho đỡ ghiền.
- Lời cuối cùng, nhân dịp Tết Giáp Ngọ 2014, ông muốn gửi gắm gì đến độc giả báo Bóng đá và NHM cả nước?
+ Xin chúc quý vị một năm an lành, thịnh vượng, còn bóng đá nước nhà ngày càng đổi mới để đáp ứng lại những nguyện vọng chính đáng của nhân dân!.
- Xin cảm ơn ông đã dành cho báo Bóng Đá cuộc trao đổi này. Chúc ông và gia đình bước sang năm mới Giáp Ngọ an khang, thịnh vượng và hạnh phúc!