Bóng Đá Plus trên MXH

Hướng tới hội thảo về bóng đá Việt Nam: Tài chính, đào tạo trẻ và chiến lược là gốc rễ của thành công
06:24 ngày 18/10/2015
“Theo cá nhân tôi, vấn đề tài chính, hệ thống đào tạo trẻ và chiến lược dài hơi về kỹ, chiến thuật, thể lực… là gốc rễ của mọi sự thành công”, HLV Mai Đức Chung rất thẳng thắn trong cuộc trò chuyện với phóng viên báo Bóng đá khi đề cập tới chủ đề: Làm gì để đưa bóng đá Việt Nam bắt kịp với các nước phát triển?
    ĐIỂM SÁNG BÓNG ĐÁ TRẺ
    - Phóng viên: Có lẽ chúng ta sẽ bắt đầu từ câu nói của cựu HLV ĐT Việt Nam - ông Alfred Riedl, vốn được nhiều người nhắc lại trong thời gian qua, đó là “bóng đá Việt Nam xây nhà từ nóc”. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

    - Ông Mai Đức Chung: Tôi cho rằng không nên phủ nhận sạch trơn những sự phát triển tích cực mà chúng ta đã có. Ví dụ, trong năm 2015, chúng ta có các đội tuyển U16, U19, U23 giành quyền vào VCK châu Á, ĐTQG nữ xuất sắc lọt vào vòng đấu loại cuối cùng của Olympic 2016, U14 nữ giành chức vô địch tại giải U14 nữ châu Á – khu vực ĐNÁ… Rõ ràng, bóng đá Việt Nam  có những bước chuyển mình mạnh mẽ ở địa hạt bóng đá trẻ, chứ không phải là ảm đạm như nhiều người quy kết. Đương nhiên, chúng ta cũng cần nói đến ĐTQG, đó là bộ mặt của một quốc gia nhưng cũng không thể bỏ qua những yếu tố kế thừa trong tương lai.

    - Đấy là ở đội tuyển, còn ở cấp độ CLB, nhiều người rất tâm đắc với câu nói của ông là “các CLB Việt Nam đào tạo trẻ theo kiểu mạnh ai nấy làm nên có sự “lệch pha” rất lớn khi tập trung đội tuyển”, đấy cũng là một lỗ hổng lớn, thưa ông?
    - Đúng vậy, ở Việt Nam không phải CLB nào cũng chú trọng đào tạo trẻ. Theo đánh giá của tôi, mới chỉ một số lò đào tạo đi đúng hướng, đó là HA.GL, PVF, Viettel, HN.T&T… Đấy là những đơn vị có nguồn lực tài chính dồi dào. Nói như thế cũng để thấy, chúng ta cần phải có sự thông cảm với những CLB khác. Điển hình như SLNA. Vài năm gần đây, tôi thấy lò SLNA đã bắt đầu tụt lại và nguyên do, theo tôi nghĩ bắt đầu từ vấn đề tài chính. Dù vậy, trong bối cảnh hiện nay, bóng đá trẻ Việt Nam vẫn gặt hái được nhiều thành công là một điều rất đáng khích lệ. 


    CẦN CÓ HỘI ĐỒNG HLV QUỐC GIA ĐÚNG NGHĨA!
    - Vấn đề được nhiều người quan tâm lúc này là làm sao để nâng cao vai trò, hiệu quả của Hội đồng HLV qg. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
    - Hội đồng HLV QG không chỉ có chức năng cố vấn, mà còn chính là những tuyển trạch viên, những người theo sát các giải đấu trẻ, giải VĐQG để đưa ra những thông số, đánh giá về các cầu thủ giới thiệu cho HLV các ĐTQG. Nói nôm na, đó là hệ thống “chân rết” của các HLV trưởng của các ĐTQG. Ngoài ra, họ còn đưa ra những góp ý phản biện về chiến lược xây dựng nền bóng đá, thậm chí là chiến thuật của một trận đấu của ĐTQG. Thật đáng tiếc, chúng ta chưa làm được điều này, nguyên nhân chủ quan và khách quan đều có cả. Chẳng hạn như, cá nhân tôi và HLV Lê Huỳnh Đức là những người nằm trong Hội đồng HLV QG nhưng do bận huấn luyện cho CLB nên không phải lúc nào cũng tham gia đầy đủ các cuộc họp, hội nghị. Vì vậy, theo tôi, chúng ta cần phải có những người chuyên trách, hưởng lương từ VFF, được giao từng nhiệm vụ, công việc cụ thể mới hy vọng phát huy được sự hiệu quả. Tôi tin rằng, tới đây VFF sẽ phải xây dựng Hội đồng HLV qg theo hướng này.

    - Năm 2003, bóng đá Việt Nam có GĐKT là ông Rainer Willfeld nhưng vai trò của vị chuyên gia người Đức này không thật sự lớn. HLV Nguyễn Thành Vinh có cho rằng, bóng đá Việt Nam  vẫn cần một GĐKT, ý kiến của ông thế nào?
    - Cá nhân tôi cho rằng đó là điều rất cần. Vị chiến lược gia này chắc chắn phải giỏi về chuyên môn, là người biết tổ chức lựa chọn các HLV, cầu thủ  cho các ĐTQG theo đặc thù, đặc điểm của nền bóng đá. Ông ta có thể đưa ra những định hướng chiến lược, phong cách chiến thuật của ĐTQG. Tất nhiên, chúng ta còn có Hội đồng HLV ĐTQG vì vậy cần có những phân công nhiệm vụ rõ ràng để tránh chồng chéo công việc của nhau.

    HLV Mai Đức Chung

    VẤN ĐỀ TÀI CHÍNH VÀ VAI TRÒ CỦA VFF
    - Vấn đề tài chính vô cùng quan trọng của một nền bóng đá, có vẻ như ở thời điểm này, bóng đá Việt Nam  đang phải đối mặt với vô số khó khăn từ vấn đề này, quan điểm của ông thế nào?
    - Nền tảng tài chính sẽ quyết định, chi phối rất lớn đến nền bóng đá. Tôi từng là người của Tổng cục TDTT nên tôi hiểu được khó khăn gặp phải của bóng đá Việt Nam  hiện tại. Chẳng hạn hàng năm Tổng cục có cấp một phần kinh phí cho VFF. Số tiền này dùng để chi trả tiền lương, chi trả tiền ăn ở, đi lại cho các ĐTQG, nếu VFF không có những nguồn thu, không khéo “liệu cơm gắp mắm” thì sẽ khó mà thành công. Tôi nghĩ, vai trò tài chính sẽ quyết định sự thành bại của các CLB, trong đó có khâu đào tạo trẻ. Đến thời điểm này cần phải nhân rộng mô hình nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân cùng làm… mới hy vọng thay đổi và xây chặt được nền bóng.

    - Vai trò quản lý rất quan trọng nên theo ông VFF cần hoàn thiện những gì?
    - VFF đã có những nỗ lực lớn và từng bước kiện toàn bộ máy nhằm thúc đẩy bóng đá Việt Nam đi lên. Tôi nghĩ, chúng ta cần bồi dưỡng thêm đội ngũ quản lý bởi bóng đá Việt Nam đã và đang phát triển rất mạnh mẽ. Chúng ta cần phải có những chuyên gia mạnh ở từng mảng việc cụ thể để có thể vận động tốt nhất mọi nguồn từ xã hội để phát triển bóng đá.

    - Xin cám ơn ông!
    Đức Nguyễn (thực hiện) • 06:24 ngày 18/10/2015

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay