Người viết xin được lấy trích dẫn một đoạn trong lá thư của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc để mở đầu cho bài viết này. Nhật ký "Mãi mãi tuổi 20" có thể coi là bản trường ca bi tráng về tinh thần tuổi trẻ Việt Nam, tinh thần dám nghĩ dám làm của cái tuổi đầy nhiệt thành và tài năng nhưng cũng lắm bồng bột xốc nổi. Chỉ trong 2 năm đầy biến cố của bóng đá nước nhà, cái tên U19 đã cứu vớt không chỉ danh dự, chuyên môn mà còn cứu vớt cả tình yêu tưởng như đã nguội lạnh ẩn sau vẻ cô quạnh đến đau lòng của những sân bóng.
Đó là những chiều tháng 9 đầy nắng trên đất nước Indonesia, nơi mà một trong những lò đào tạo được coi là quy mô nhất Đông Nam Á trình làng lứa cầu thủ tài năng nhất sau 7 năm đào tạo. Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức đồng ý để những viên ngọc của mình đại diện cho Việt Nam lần đầu tiên xỏ giày để chơi một giải đấu chính thức. Thậm chí , những thông tin về lịch thi đấu, những đối thủ hay cả những cầu thủ nổi trội của đội tuyển gần như là mù tịt với phần đông người hâm mộ. Nhưng cũng chỉ cần 3 trận đấu vòng bảng, chỉ cần những tín hiệu chập chờn trên sóng Youtube được một Mạnh Thường Quân truyền về, ngay lập tức cơn bão U19 nhen nhóm hình thành và chinh phục mọi thị hiếu thưởng thức bóng đá của những trái tim người hâm mộ.
Không ngoa khi nói rằng, chưa từng có một đội tuyển cấp độ quốc gia nào của chúng ta chơi bóng đá thong dong và đậm chất la-tinh đến vậy. Cách chúng ta thắng, thậm chí thua Indonesia và các đối thủ trong khu vực Đông Nam Á nói chung đều khiến người hâm mộ sướng, một điều cũng không hay gặp lịch sử bóng đá Việt Nam. Thất bại đầu đời trên đất nước vạn đảo không làm bất kì ai thất vọng mà con thắp lên cả những niềm tin, hi vọng và thậm chí cả những ảo tưởng vu vơ của người dân Việt Nam về một tuyển trẻ Việt Nam mang tầm cỡ châu lục.
Hai năm sau, cũng trong những chiều Myanmar đầy nắng và gió, vẫn những cái tên ấy, một lần nữa đổ gục trên sân sau trận hòa trên thế thắng trước U19 Trung Quốc, đối thủ sau đó đã lọt vào vòng 2 của VCK U19 châu Á 2014. Nước mắt vẫn rơi trên gương mặt của những chàng trai ấy, những giọt nước mắt trong sáng, tiếc nuối, bĩ cực và cả hạnh phúc nữa. Nói như Nguyễn Văn Thạc, hạnh phúc là gì? Hạnh phúc của tuổi trẻ chính là những giọt nước mắt đó.
Công bằng mà nói, U19 Việt Nam đã tiến bộ không ngừng, thậm chí là vượt bậc qua từng trận đấu. Từ những cầu thủ đơn thuần chỉ biết ban bóng và chạy chỗ, U19 Việt Nam với nòng cốt là các học viên ưu tú của HAGL-JMG Arsenal giờ đây là một tập thể mạnh thực sự, một đội bóng nhuần nhuyễn về tư duy chơi bóng và kĩ chiến thuật sẵn sàng để tranh đấu, bên cạnh đó là một tinh thần thi đấu đốt cháy cầu trường vì người hâm mộ và niềm tự hào dân tộc. Cái thiếu của các em duy nhất chính là kinh nghiệm, là bản lĩnh trận mạc, nhưng không ai bán cho các em thứ đó, chỉ có những trận đấu, thậm chí những trận chiến, những thất bại mới đem lại cho các em điều đó.
Những Tuấn Anh, Công Phượng, Xuân Trường giờ đây không còn là những ngôi sao mai đơn thuần. Sau tất cả, họ là những thương hiệu thật sự, những vị cứu tinh thật sự để cứu lấy nền bóng đá Việt Nam. Niềm tin và tình yêu của người hâm mộ chính là yếu tố sống còn của bóng đá, thậm chí là cả một nền bóng đá, và khi mà trái bóng V-League 2015 thậm chí còn chưa lăn, người ta đã mường tượng được một niềm hạnh phúc lớn lao, khi khán giả chắc chắn sẽ về với sân bóng đông hơn, về để xem những hiện tượng “50 năm mới lại xuất hiện theo cách nói của chiến lược gia Lê Thụy Hải” chơi bóng.
Những người hâm mộ khó tính có lẽ nên hiểu và cảm thông hơn cho bầu Đức, ông rất muốn những cái tên Việt Nam xuất hiện tại J-League, K-League… nhưng vì nền bóng đá Việt Nam, vì chính các em, ông sẵn sàng từ chối mọi lời đề nghị hấp dẫn. Nói U19 có thể cứu được cả một nền bóng đá đang tồn đọng quá nhiều vấn đề như Việt Nam là nói quá, nhưng nếu coi các em là nền tảng cho một cuộc cách mạng, một lần làm lại của V-League thì thực sự điều đó là rất đáng suy ngẫm.
Cho đi là để nhận lại, chưa từng có một thế hệ trẻ nào được đầu tư và chăm lo ở mức như U19. Đổi lại là những giọt mồ hôi vắt kiệt trên sân tập và trên mỗi trận đấu, là thái độ đạo đức chuẩn mực và hình ảnh những cầu thủ chỉ biết chơi bóng thực thụ, không bệnh ngôi sao, không thành tích, không bạo lực sân cỏ, tất cả tôn vinh nên vẻ đẹp thuần túy của môn thể thao vua tưởng như đã mất trong lòng người hâm mộ mà chính lứa U19 Việt Nam đã làm sống lại. Vượt xa qua yếu tố bóng đá, U19 với độ tuổi đôi mươi đã trở thành một hiện tượng mang tính giáo dục xã hội, một ngọn cờ đầu để trả lại vẻ đẹp cho bóng đá Việt Nam, trả lại những hình ảnh về Thể Công, về Cảng Sài Gòn năm nào.
Đêm cuối trên đất Myanmar cổ kính, đêm cuối trong màu áo tuyển U19 Việt Nam của những Xuân Trường, Tuấn Anh, Công Phượng đã điểm, ngày mai và cả nhiều ngày sau nữa, các em sẽ trôi về những ngã rẽ khác nhau của nghiệp quần đùi áo số.
“Tất cả U19 Việt Nam là một tập thể đoàn kết, ko có sự phân biệt cầu thủ lò Học viện hay từ đội trẻ các CLB bên ngoài. Dù sau này đi đâu thì cũng hay nhớ đã cùng nhau là đồng đội và đã thi đấu quên mình vì người hâm mộ nước nhà", câu nói của trung vệ Xuân Hưng, chàng trai đã gạt nước mắt phụ tử chia ly để làm nghĩa vụ quốc gia thực sự đã chạm đến trái tim của hàng triệu người hâm mộ trên dải đất hình chữ S, những người đã ăn ngủ cùng cái tên U19, cùng cười cùng khóc trong gần 2 năm của một mối tình khó lột tả hết bằng câu chữ.
Gạt đi những ưu tư về tương lại của một nền bóng đá, những thất bại về mặt thành tích, người viết thay lời hàng triệu tín đồ bóng đá Việt Nam gữi đến nhưng đứa con U19 lời cảm ơn sâu sắc, cảm ơn vì tất cả những đóng góp, những phút giây ngưng đọng cùng trái bóng, cảm ơn các em đã khoác lên mình lá cờ tổ quốc và cho tất cả những cầu thủ nói riêng và người Việt Nam nói chung thấy nó thiêng liêng như thế nào.
Chúc các em sức khỏe và mọi điều thành đạt, phía sau các em luôn luôn là những con tim đang dõi theo. Dù thành công hay thất bại, chỉ cần giữ trong mình “ADN của U19”, chỉ cần những nụ cười hồn nhiên ấy vẫn nở, nó sẽ trở thành bất tử. Mãi mãi tuổi đôi mươi nhé những chàng trai của chúng tôi!