3 NĂM & 2 SIÊU PHẨM
Năm 2010, khi phỏng vấn Wayne Rooney sau cú “xe đạp chổng ngược” siêu đẳng thành bàn của tiền đạo này vào lưới Man City, phóng viên David Winner đã cố tìm hiểu xem những gì xảy ra trong đầu Rooney vào khoảnh khắc ấy, và nhận được câu trả lời tưởng chừng chi tiết, nhưng vẫn thật sự mơ hồ:
“Khi bóng được tạt vào vòng cấm, có rất nhiều điều chạy qua tâm trí bạn trong tích tắc, như 5-6 phương án khác nhau mà bạn có thể làm với trái bóng. Bạn tự hỏi mình những 6 câu chỉ trong giây lát. Bạn có thể hãm bóng bằng ngực rồi sút, hoặc dứt điểm một chạm. Nếu các hậu vệ quây quanh đó, thì rõ ràng là bạn phải cố sút bóng ở chạm đầu tiên. Nếu hậu vệ đứng xa hơn, bạn có khoảng trống để đỡ bóng. Quy trình ra quyết định là như thế. Sau đó là thực hiện nó.”
Rooney đã giải thích tương đối dài dòng về 1 hành động chỉ xảy ra trong tích tắc, cứ như thể nó có thể được cân nhắc rất kỹ càng và hợp lý trước khi được thực hiện.
Với bàn thắng từ khoảng cách 50 mét vào lưới West Ham cách đây 1 tuần, anh nói ngắn gọn hơn: “Bàn thắng đó thiên về bản năng. Tôi thấy Adrian đã lên quá cao.” Trong tích tắc đó, Rooney đã chọn phương án khó nhất, giống như cú vô lê siêu đẳng 3 năm về trước, và lại thành công.
Nếu như đó thực sự là một khoảnh khắc có thể được phân tích kỹ càng, thì có lẽ giống như cựu HLV của Ajax, David Endt, giải thích: “Một giây của thiên tài kéo dài hơn người bình thường.”
THIÊN TÀI LUÔN CHỈ ĐẾN TỪ BẢN NĂNG?
Đó là một chủ đề gây tranh cãi, bởi nó liên quan đến việc liệu con người có thể tự chủ được hành vi của anh ta hoàn toàn hay không. Liệu khi Lionel Messi và Maradona lừa bóng qua một rừng người, họ có vẽ được đường đi của quả bóng dưới chân mình và lường trước được hành vi của đối phương để né tránh hay không?
Liệu khi tung ra cú đá từ khoảng cách 55 mét, Rooney có nắm được chính xác quỹ đạo của quả bóng? Marco van Basten đã nghĩ gì khi tung ra cú vô lê thành bàn từ góc gần như bằng không ở trận chung kết EURO 1988 vào lưới Liên Xô? Zinedine Zidane đã căn chỉnh quả tạt của Roberto Carlos như thế nào để có thể vô lê cháy lưới Leverkusen ở chung kết Champions League 2002 hoàn hảo đến thế?
Các nhà thần học cũng phải nhảy vào cuộc với câu hỏi: Trước hết, nếu không phải là Rooney, Messi hay Maradona làm nên những khoảnh khắc thiên tài, thì ai (hoặc điều gì) đã nhào nặn nên những siêu phẩm ấy?
Nếu xuất phát từ vô thức, thì có thể giải thích được hành động của họ bằng khái niệm id (Tự ngã) trong thuyết Phân tâm học của Sigmund Freud (tương tự khái niệm cái tôi (cogito) trong triết học Descartes hay Cái tôi tự thân theo Emmanuel Kant).
Đó là những hành động thuộc về bản ngã, được thực hiện một cách vô thức, và theo Freud, cá nhân sau khi thực hiện một hành động bản ngã thường có xu hướng đi tìm lời giải thích hợp lý cho hành động ấy, dù đó là một công việc mang tính chất lừa dối bản thân và hoàn toàn vô ích.
Đó có thể là lý do khiến Rooney nói về “6 lựa chọn trong tích tắc”, hay Maradona kể lại về ký ức trước đó tận 7 năm, như để cố gắng giải thích cho những pha bóng xuất thần họ vừa thực hiện.
Nhưng đó đơn giản là những khoảnh khắc bản năng mà theo tiến sĩ Jon Adams của trường Kinh tế và Chính trị học London, “Chỉ có Chúa mới lý giải nổi”. Phải, và ngay cả với những thiên tài, Chúa cũng tỏ ra rất khắt khe mỗi khi trao cho họ một khoảnh khắc thần kỳ như vậy.
Ẩn ức của Maradona
Phóng viên David Winner cũng đã cố đi tìm lời giải đáp bằng một cuộc phỏng vấn Jorge Valdano, đồng đội của Diego Maradona vĩ đại ở VCK World Cup 1986. Valdano nhớ lại rằng, sau khi ghi bàn thắng phi thường với pha solo từ giữa sân trong trận tứ kết gặp ĐT Anh, Maradona đã xin lỗi Valdano trong phòng thay đồ vì đã không chuyền bóng cho đồng đội trong tình huống ấy.
Lý do mà Diego đưa ra để bào chữa cho pha làm bàn ích kỷ ấy khá kỳ dị: Khi đến gần khung thành, trong óc ông bỗng vụt lóe một tình huống tương tự khi đối mặt với Peter Shilton tại Wembley… 7 năm trước đó. Maradona đã cố chuyền bóng nhưng một thoáng chần chừ của ông là quá đủ Terry Butcher áp sát và cản phá thành công.
Diego nhận ra sai lầm của mình rất nhanh và kết luận rằng không cần Valdano, ông có thể tự mình ghi bàn. “Thiên tài bóng đá” - Valdano nói - “nằm ở khả năng phân tích và giải quyết vấn đề một cách sáng tạo dưới áp lực và tốc độ không thể tưởng tượng nổi.”
Thiên tài nhờ rèn luyện ?
Có lẽ là không, vì nói đến thiên tài là nói đến năng lực bẩm sinh. Nhưng cũng có không ít những khoảnh khắc phi thường được tạo ra từ những cầu thủ không phải thiên tài. Trước khi Rooney ghi bàn thắng từ giữa sân vào lưới West Ham, David Beckham cũng từng làm được điều tương tự trước Wimbledon vào năm 1996, đơn giản vì anh đã tập những cú đá như thế hàng nghìn lần trên sân tập.
Lý giải cho bàn thắng của Rooney, HLV David Moyes cũng thừa nhận: “Cậu ấy đã thử làm điều đó phải 20 lần rồi, và đến giờ mới thành công.” Theo lý thuyết 10 nghìn giờ của nhà báo Malcolm Gladwell, thì bất kỳ kỹ năng nào được tập luyện đủ chừng ấy thời gian sẽ trở thành một vũ khí tinh thông lão luyện.
Nhiều người có lẽ vẫn còn nhớ bàn thắng phi thường của Saeed Al-Owairan vào lưới ĐT Bỉ ở World Cup 1994, một khoảnh khắc tương tự như pha bóng của Diego Maradona năm 1986. Al-Owairan tất nhiên không phải Maradona, nhưng bóng đá kỳ diệu ở chỗ đó: Ngay cả khi bạn không phải là thiên tài, đừng nghĩ rằng bạn không bao giờ có thể lập một siêu phẩm.
“Messi có thể làm thời gian… chậm lại”
Các thiên tài bóng đá là một chủ đề đầy thích thú với các nhà khoa học: “Chúng tôi rất quan tâm đến các cơ chế nền tảng của những màn trình diễn phi thường trong thể thao” - Giáo sư Norbert Hagemann từ Đại học Kassel phát biểu trên trang UEFA.com: “Các cầu thủ bóng đá chơi trên một sân đấu lớn và họ phải chú ý đến nhiều người trên sân, vì thế, chúng tôi tin rằng cầu thủ tốt nhất là người có thể chú ý đến nhiều người cùng một lúc.”
Nhưng Lionel Messi là một trường hợp đặc biệt. Anh không phải là người thường xuyên quan sát trên sân, nhưng vẫn có thể thu thập được rất nhiều thông tin xung quanh. Giáo sư Hagemann gọi đó là khả năng làm “thời gian chậm lại”, ngụ ý mô tả rằng một cầu thủ thiên tài luôn được trời phú cho “giác quan thứ sáu”.
Sự mẫn cảm ấy giúp Messi dường như luôn đi trước đối phương vài giây. Đó cũng là điều mà chúng ta thấy trong những pha lừa bóng của Pele: Ông thậm chí có thể xỏ háng 3 cầu thủ liên tiếp, cứ như thể nhìn thấy rõ được cử động của họ trong tích tắc và đưa ra phản ứng phù hợp.
Như Giáo sư Hagemann nhận xét: “Những cầu thủ như Messi luôn có năng lực đưa ra quyết định tuyệt vời. Họ sở hữu năng lực dự cảm giúp bản thân giải quyết những vấn đề phức tạp nhất một cách rất đơn giản.”