NHÂN TÀI NHIỀU KHÔNG KỂ XIẾT
Mỗi khi nhắc đến nguồn cầu thủ do SLNA đào tạo nên, nhiều người vẫn thường ví von bằng câu nói vui: “Nước sông Lam biết khi mô cho cạn”. Một cách so sánh đậm chất địa phương nhưng đã nói lên rằng, nguồn cầu thủ xứ Nghệ không bao giờ cạn và mỗi năm họ lại trình làng hàng loạt cầu thủ tài năng, đóng góp cho các đội tuyển.
Hãy bắt đầu từ những năm đầu thập niên 1990 với lứa cầu thủ Nguyễn Hữu Thắng, Phan Thanh Tuấn, Nguyễn Quang Hải… thường xuyên góp mặt ở ĐTQG. Đây được xem là những viên gạch chất lượng, tạo nên bệ phóng vững chắc cho cầu thủ của SLNA ở ĐTQG.
Sau đó, đến lứa Ngô Quang Trường, Võ Văn Hạnh, Lê Văn Lưu, Nguyễn Phi Hùng và nhất là ba anh em Văn Sỹ Hùng, Văn Sỹ Thủy, Văn Sỹ Sơn, tiếp bước và tô đậm cho nguồn cầu thủ chất lượng của đội bóng xứ Nghệ. Chưa hết, những năm đầu thế kỷ 21, nguồn cầu thủ xứ Nghệ nở rộ và xuất hiện dày đặc ở các ĐTQG.
Thậm chí, năm 2000, khi tham dự VCK U16 châu Á 2000, đội U16 Việt Nam đã lấy 2/3 cầu thủ xứ Nghệ lên tuyển với những tên tuổi mà sau này đã làm mưa, làm gió trên sân bóng nội như Phạm Văn Quyến, Phan Như Thuật, Nguyễn Minh Đức, Nguyễn Văn Vinh, Nguyễn Lâm Tấn, Phạm Đức Anh và đặc biệt, vị trí HLV trưởng cũng do một ông thầy xứ Nghệ đảm trách là Nguyễn Văn Thịnh.
Cột mốc này thực sự giúp cho lò đào tạo SLNA vững chắc ở các đội tuyển sau này, và cứ sau mỗi năm, cầu thủ xứ Nghệ lại nối nhau lên tuyển với những tài năng sân cỏ, làm báo giới tốn biết bao giấy mực như Lê Quốc Vượng, Phạm Văn Quyến, Nguyễn Huy Hoàng, Lê Công Vinh, Trần Đức Cường, Nguyễn Trọng Hoàng, Âu Văn Hoàn, Nguyễn Văn Bình, Nguyễn Quang Tình, Nguyễn Đình Hiệp, Trần Đình Đồng, Trần Phi Sơn, Trần Nguyên Mạnh, Nguyễn Đình Bảo, Quế Ngọc Hải, Phạm Mạnh Hùng, Hồ Tuấn Tài, Hồ Phúc Tịnh…
“PHỦ SÓNG” NGẬP TRÀN LÀNG BÓNG NỘI
SLNA luôn chứa đựng những điều đặc biệt và những con người đi lên từ bóng đá xứ Nghệ luôn có sự thích nghi cao ở bất kỳ môi trường bóng đá nào. Thế nên, trong quãng thời gian hơn 15 năm qua, từ những người quản lý bóng đá, HLV, trợ lý và cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo SLNA xuất hiện rộng khắp ở các CLB.
Đầu những năm 2000, khi bóng đá Việt Nam chuyển sang mô hình chuyên nghiệp, SLNA được xem là điểm đến của các CLB. Họ về xứ Nghệ để học hỏi cách làm bóng đá và đồng thời đàm phán mua những cầu thủ do CLB này đào tạo ra.
Trước khi bước vào mùa giải 2003, tân binh V.League HA.GL đã cử phái đoàn về xứ Nghệ để mượn những cầu thủ tên tuổi lớn lúc đó là Nguyễn Phi Hùng, Văn Sỹ Hùng, Lê Quốc Vượng, Chu Ngọc Cảnh lên phố Núi thi đấu. Và những cầu thủ nói trên đã trở thành nhân tố chính giúp HA.GL lần đầu đoạt danh hiệu vô địch ngay trong năm đầu tiên góp mặt ở đấu trường V.League.
Thậm chí, sau này, những đội bóng như Hòa Phát Hà Nội, Hà Nội ACB còn được ví von là những đội bóng xứ Nghệ “phẩy” giữa lòng Thủ đô khi từ vị trí trưởng đoàn, HLV, trợ lý và 2/3 cầu thủ trong đội đều là những cầu thủ trưởng thành từ SLNA. Đây là điều rất hiếm thấy ở bóng đá Việt Nam.
Đặc biệt, ở thời điểm hiện tại, lò đào tạo SLNA có số cầu thủ “phủ sóng” lớn nhất ở đời sống bóng đá Việt Nam khi cầu thủ do xứ Nghệ đào tạo có mặt từ giải hạng Nhì, hạng Nhất cho đến V.League. Ở đấu trường V.League hiện nay, cầu thủ đi lên từ lò SLNA có mặt ở 6/14 đội bóng như ĐT.LA, B.BD, XSKT.CT, HN.T&T, Hải Phòng, Đồng Nai. Đây là con số đáng tự hào của lò đào tạo SLNA và đi đến đâu, trong cuộc đua tranh từ chạy thoát suất xuống hạng cho đến đua vô địch ở các CLB đều có cầu thủ xứ Nghệ.
Xây dựng 6 địa phương “chân rết” Để hình thành nên trung tâm bóng đá nức tiếng cả nước, SLNA đã có cách làm rất hay khi hình thành các “chân rết” từ các địa phương. Và mỗi năm, các hệ thông “chân rết” này sẽ sàng lọc các cầu thủ ở địa phương đó qua các giải bóng đá thiếu niên, nhi đồng toàn huyện để từ đó chọn ra những cầu thủ tốt nhất để gửi về lò đào tạo SLNA. SLNA cũng ký hợp đồng thời vụ với các “chân rết” này để hằng năm họ giới thiệu các gương mặt chất lượng về lò đào tạo tiếp tục trải qua đợt sàng lọc nữa để được nhận chính thức vào SLNA. HLV cũng đắt giá Bên cạnh nguồn cầu thủ dồi dào, xuất hiện dày đặc ở các CLB tại Việt Nam thì những ông thầy của bóng đá SLNA cũng rất đắt giá. HLV Nguyễn Thành Vinh đã được bầu Long, bầu Kiên tha thiết mời từ xứ Nghệ ra Thủ đô để làm HLV trưởng Hòa Phát Hà Nội, Hà Nội ACB. Sau đó đến lượt Nguyễn Hữu Thắng được bầu Hiển trải thảm đỏ về dẫn dắt HN.T&T. Trong quãng thời gian qua, khi rời chiếc ghế HLV trưởng SLNA, HLV Hữu Thắng đang là cái tên thu hút được sự chú ý và lúc này ông đang được Thanh Hóa và một đội bóng phía Nam “đặt gạch” để mời về dẫn dắt… Những hạt giống lép Bên cạnh việc giới thiệu, đóng góp nhiều tài năng cho bóng đá Việt Nam, thì lò đạo tạo SLNA vẫn có những “sai số” khi có nhiều cầu thủ dính vào những tệ nạn xã hội để rồi đánh mất sự nghiệp. Có thể kể ra đây các trường hợp như Quốc Vượng, Văn Quyến, Hồng Việt, Thanh Tuấn... Đây là những cầu thủ tài năng thực sự nhưng những cám dỗ ở cuộc sống xã hội đã làm họ trượt dài trên sự nghiệp của mình. Tất nhiên, việc các cầu thủ nói trên phạm vào những sai lầm không hoàn toàn nằm ở SLNA vì cuộc sống là do các cầu thủ lựa chọn, còn đội bóng này chỉ uốn nắn về tính cách, đào tạo họ trên sân. Mặt khác, ở thành Vinh luôn chứa đựng nhiều cám dỗ và một khi cầu thủ không đủ bản lĩnh để bước qua những thử thách thì rất dễ nhúng chân vào con đường sa ngã. Thanh Tuấn Cựu HLV Nguyễn Thành Vinh từng đúc kết: “Nếu SLNA không bị rơi rụng nhân tài vì tệ nạn xã hội thì đội bóng đó luôn giữ vững vị trí nhất nước, bất kể các đại gia khác đầu tư tiền bạc, mua nhiều ngôi sao cỡ nào”. Lời cảm thán đó của ông Vinh như thực tế nói lên rằng, cầu thủ xứ Nghệ có tài nhưng đi đôi với đó là những tật xấu và nếu họ không sa ngã thì SLNA còn duy trì được sức mạnh của mình trong quãng thời gian dài. Và bây giờ, khi đã chứng kiến nhiều cầu thủ dính vào tệ nạn xã hội, lò đào tạo SLNA đã thắt chặt quy trình quản lý cầu thủ khi phát hiện cầu thủ nào dính vào các tệ nạn xã hội thì sẽ loại ngay khỏi trung tâm, dù cầu thủ đó tài năng cỡ nào! |