“Đó vừa là câu chuyện kinh doanh, nhưng quan trọng là chúng tôi vẫn phải bám vào các giá trị cốt lõi. Ở Liverpool, chúng tôi cố gắng giữ gìn sự tự tôn. Chúng tôi muốn được các CĐV yêu thương, nhưng cũng tôi cũng muốn được tôn trọng vì cách mình làm việc”.
Từ những năm 1960, đội bóng này đã vận hành theo một khẩu hiệu rất kiêu hãnh của Bill Shankly, rằng luôn có một “Liverpool way” (con đường của Liverpool) để giải quyết mọi thứ. Và khi cánh cổng Premier League mở ra, họ chậm chân bởi chính sự tự hào của mình. Trong khi Man United bắt đầu niêm yết trên Thị trường chứng khoán và sinh lời, thì Chủ tịch của Liverpool hơn 20 năm trước là David Moores vẫn cố gắng duy trì sở hữu tư nhân.
Cho đến năm 1999, khi Man United đã bắt đầu vươn vòi bạch tuộc đi khắp nơi, thì Liverpool, quá sốc trước sự thương mại hóa chóng mặt của đối thủ truyền kiếp, mới bắt đầu bắt tay với các đối tác truyền thông bằng thỏa thuận với đài truyền hình Granada, đơn vị đã mua 9,9% cổ phần của CLB với trị giá 22 triệu bảng. Trong khi sân Old Trafford liên tục được cải tạo từ năm 1993 đến nay và đang có sức chứa hơn 75 nghìn chỗ ngồi, thì dự án mở rộng sân Anfield, vốn chỉ có 45 nghìn chỗ ngồi, đã giậm chân tại chỗ từ nhiều năm nay.
Các lễ tưởng niệm Hillsborough và Heysel vẫn diễn ra đều đặn, như một sự kết nối với trái tim người hâm mộ và quá khứ. Nhưng hiện tại của Liverpool đã thua xa những Đế chế bóng đá Anh thực sự trong kỷ nguyên Premier League, những CLB đã nắm lấy cơ hội để mở ra một thời đại mới.
Đó không chỉ là câu chuyện kiếm tiền. Sự đầu tư mạnh mẽ vào Premier League trùng với thời điểm Champions League ra đời khiến bóng đá trở nên ít công bằng hơn và các “ông lớn” phải vất vả hơn rất nhiều. Trước năm 1992, hầu hết các đội dự Division One đều có cơ hội lọt vào Top 3, như Norwich vừa lên hạng đã về thứ ba mùa 1992/93, hay Nottingham Forest mùa 1994/95, chỉ chịu xếp sau nhà vô địch Blackburn và á quân Man United, hai đội đầu tư tốt hơn rất nhiều.
Bây giờ, điều ngạc nhiên cuối cùng đã diễn ra cách đây một thập kỷ, khi Everton giành vị trí thứ tư (dự Champions League) vào năm 2005. Bốn năm trước đó, Ipswich Town bất ngờ cán đích với vị trí thứ năm, nhưng từ đó đến nay, không một con ruồi nào bay ngang nổi qua mặt các “đại gia”.
Trước khi Premier League bắt đầu, một đội xếp thứ bảy cũng có thể chen ngang vào cuộc đua vô địch. Tuy nhiên, sự chênh lệch tài chính của Premier League đã khiến không một CLB nào ngoài Top 3 mùa trước có cơ hội cạnh tranh chức vô địch mùa sau. Liverpool mùa trước là một ngoại lệ, nhưng sự trục trặc của họ mùa giải này đã cho thấy sự thiếu ổn định của Lữ đoàn đỏ.
Vị trí của họ một thập kỷ qua đã giải thích tại sao đội bóng này không phải là một mối hiểm họa thực sự cho các CLB cạnh tranh chức vô địch: Từ mùa 2009/10 đến 2012/13, họ thậm chí không lọt vào nổi Top 5. Trong 10 năm qua, họ lọt vào Top 4 được hai lần, giành ngôi á quân hai lần. Đó không thể là đội bóng giàu truyền thống nhất một thời của bóng đá Anh được!