Đến lúc này, đó vẫn chỉ là giấc mơ, mà hiện thực phũ phàng (thất bại 2-4 trước Dortmund ở lượt đi vòng 1/8 Champions League) lại một lần nữa xát muối toàn thân đội bóng Nga. Đừng nói chiếc cúp Champions League, với Zenit thì mục tiêu lọt sâu vào giải đấu danh giá nhất lục địa già đã là mục tiêu khó thực hiện, huống hồ…
Chuyện đời tưởng đơn giản song không giản đơn chút nào. Người khác làm được, mình cũng làm gần giống 100%, nhưng kết quả khác biệt rõ rệt. Bên cạnh những điển hình thành công của Berlusconi tại Milan hay Roman Abramovich (Chelsea), là hàng loạt ví dụ thất bại của Massimo Moratti (người ta nói rằng cú ăn ba của Inter Milan năm 2010 mang dấu ấn của Jose Mourinho nhiều hơn hẳn Moratti). Cũng đừng quên là ngay cả đội bóng số một thế kỷ 20, Real Madrid đã hơn chục năm qua không lọt nổi tới trận chung kết Champions League , dù chiêu mộ những cầu thủ đắt giá nhất thế giới như Kaka, Cristiano Ronaldo…
Những Madridista có thể bức bối và không hiểu vì sao đội bóng con cưng của họ cứ mãi thất bại ở Champions League. Nhưng một người rất hiểu Real và hiểu bóng đá Nga cảm thấy đó là chuyện thường. Fabio Capello, HLV lừng danh người Italia từng dẫn dắt Real và nay là ĐT Nga, đã nói: “Bóng đá cũng giống một cuộc chiến, mà nói như Sebastian Junger thì trong cuộc chiến ấy, 11 cầu thủ phải đưa ra quyết định cực nhanh và hành động cực kỳ chính xác, dựa theo lợi ích tốt nhất cho tập thể. Nếu không tất cả sẽ chết”.
Nói đôi chút về Junger, đây là tác giả cuốn sách nằm trong danh sách bán chạy nhất - “War” (chiến tranh). Cuốn sách này kể về nhóm lính Mỹ chinh chiến tại thung lũng Korengal (Afghanistan), trong cuộc chiến mà người Mỹ mô tả là khốc liệt và khó khăn nhất. Ở đó, mỗi sai lầm nhỏ nhất, chỉ một khoảnh khắc thiếu sáng suốt sẽ phải trả cái giá rất đắt. Capello đã phải trả cái giá tương tự ở Real hay ĐT Anh, nhưng đã rút kinh nghiệm và thành công ở ĐT Nga (vượt qua Bồ Đào Nha của Cristiano Ronaldo để đoạt vé chính thức dự VCK World Cup 2014). Thành công của Capello là nhờ chọn được những cầu thủ phù hợp nhất cho tập thể thay vì chỉ chọn những người nổi tiếng, thâm niên, giàu tài năng.
Bài học của Capello cần được áp dụng ở Zenit. Không phải cứ bỏ ra 30 triệu euro cho Danny, là cầu thủ BĐN này sẽ thể hiện giá trị của một ngôi sao hàng đầu châu Âu. Zenit chi 80 triệu euro cho cặp Witsel - Hulk (nếu tính thêm khoản lót tay và phụ phí thì lên đến 100 triệu euro) nhưng lại thua bẽ bàng trước Dortmund , đội bóng chỉ cần 67,3 triệu euro xây dựng đội hình vào đến chung kết Champions League mùa trước.
Dortmund từng sai lầm khi tưởng tiền sẽ giải quyết tất cả (như vụ mua Marcio Amoroso với giá 22 triệu euro). Zenit cũng rơi vào cảnh này. Họ đâu có ngờ nội bộ lủng củng vì thủ quân Aleksandr Anyukov nói thẳng trong phòng thay đồ là “Hulk nhận lương gấp 3 lần tôi, nhưng đá đấm như… đống phân!”. Có một chiếc Lamborghini nhưng không biết lái thì cũng thành sắt vụn. Đó là điều nhiều người đã ví von về Zenit. Biết mình, biết người, tận dụng lợi thế, hạn chế điểm yếu hợp lý là cả một quá trình chứ không đơn giản như giấc mơ trọc phú Zenit đã và đang mơ.