1. Thập kỷ 90 thế kỷ trước, khi các giải VĐQG hàng đầu châu Âu khác chưa hề nghĩ tới việc khai thác một thị trường nào khác ngoài đất nước họ, thì các hãng BBC và ITV đã tìm cách bán bản quyền Premier League sang tận châu Á.
Họ cũng phăm phăm tiến trước tới thị trường Mỹ, nơi thậm chí còn chưa có ý thức rõ ràng về môn “bóng đá” nào khác ngoài bóng bầu dục. Cái thời mà Man United ký hợp đồng hợp tác với New York Yankees (CLB bóng chày vĩ đại của Mỹ) hồi năm 2001, phần lớn người Mỹ không biết Beckham là ai.
Tại sao Premier League nổi tiếng? Vì họ có một chiến lược làm cho mình nổi tiếng một cách rất bài bản và chính xác; chứ không phải vì họ có chất lượng vượt trội (thập kỷ 90, Champions League vẫn là một sân chơi rất giàu tính cạnh tranh với các nhà vô địch như Marseille, Dortmund, Ajax).
Giống như một ngôi sao showbiz, thì việc sở hữu tài năng không thể nào quan trọng bằng việc biết làm cho mình nổi tiếng. Việc tạo dựng danh tiếng khó hơn việc trau dồi tài năng.
2. Việc có được danh tiếng khiến Premier League nhận được những khoản đầu tư khổng lồ: từ tiền quảng cáo, tiền bản quyền truyền hình, tiền của các tỷ phú yêu bóng đá...
Nhưng có danh tiếng trước khi có một nền tảng đủ mạnh để tải cái danh tiếng ấy, có thể tạo ra một quả bong bóng.
Lịch sử thế giới giai đoạn 1995-2001, trùng với thời gian bùng phát của Premier League, ghi nhận một quả bong bóng nổi tiếng: bong bóng dot-com. “Dot-com” (chấm com) là tên gọi chung của các công ty thương mại điện tử. Thời đó, thương mại điện tử là một thứ mới mẻ, và người ta ra sức thổi phồng danh tiếng của nó: các tờ báo uy tín như Wall Street Journal hay Forbes viết bài ca ngợi và khuyến khích các nhà đầu tư ném tiền vào các công ty dot-com.
Các công ty dot-com này thường do những người trẻ làm chủ. Và họ chi tiền không tiếc tay với phương châm là có thể chấp nhận lỗ, miễn là lượng khách hàng gia tăng, thì coi như công ty vẫn tăng trưởng và vốn có thể thu hồi sau này. Điều đó có làm bạn nhớ đến Premier League?
Bong bóng dot-com sụp đổ nhanh chóng mang theo hàng trăm tỷ USD vốn đầu tư.
Premier League thực chất chưa có một nền tảng đủ mạnh để nhận từng đó vốn đầu tư. Đơn giản nhất, hệ thống đào tạo của họ đâu? Họ không sản xuất, chỉ vung tiền đầu cơ cầu thủ và hy vọng anh ta sẽ mang lại lợi nhuận, thế thì đó là một sàn chứng khoán hay nền bóng đá?
3. Ở Premier League bây giờ, nếu ngừng chi tiền thì bạn suy yếu, Alex Ferguson vĩ đại cũng chỉ giúp được quá trình này ở Old Trafford chậm đi vài năm chứ cuối cùng vẫn suy yếu.
Đó thực sự là một quả bong bóng vì cuối cùng thì nó không sản sinh ra thêm giá trị, mà chỉ tiêu tiền. Đồng tiền có được từ danh tiếng, danh tiếng lại đến từ cách làm truyền thông khôn ngoan chứ không phải vì bóng đá.
Tất nhiên là sau bong bóng dot-com thì vẫn còn nhiều công ty trụ lại, trang bán hàng Amazon là một ví dụ tiêu biểu, cho dù sau bong bóng thì giá cổ phiếu của công ty này giảm 15 lần. Nhưng với thương hiệu, lượng khách hàng có sẵn sau bong bóng, các công ty này nếu làm ăn nghiêm túc và thực sự tạo ra giá trị, vẫn có thể tồn tại và phát triển.
Đứng dậy được không, Premier League?