Người ta tính là trong 4 năm từ 2016-2019, mỗi trận đấu tại Premier League có mức phí truyền hình bình quân là 8 triệu bảng, một con số khủng khiếp. Tất nhiên khi nhận một số tiền lớn như thế, tự thân Premier League cũng biết là họ sẽ phải chịu những ràng buộc nhất định. Họ không thể vận hành theo cách mình muốn nữa mà phải sống vì khán giả.
Tất nhiên, bóng đá nơi đâu chẳng sống vì khán giả. Nhưng ai cũng thấy: không nơi nào khái niệm “vị quần chúng” lại khủng khiếp như ở Anh. Họ phải đá vào những khung giờ thuận tiện nhất cho khán giả. Lễ tết là lúc Premier League nhộn nhịp nhất vì dân chúng được nghỉ. Thay đổi ư? Còn lâu!
Đá theo thời gian chưa đủ, họ còn phải đá theo gu nữa. Tuyệt đại đa số các đội bóng ở Premier League đều phải đi theo ngọn cờ bóng đá đẹp. Tất cả những HLV ở đây đều phải tự gò mình để phục vụ quần chứng. Cầu thủ cũng thế. Những người chạy hùng hục suốt trận như Alexis Sanchez sẽ được tôn vinh, những cầu thủ thi đấu với đầu óc tinh tế như Mesut Oezil lại bị chê là lười biếng.
Đa số các đội bóng ở Premier League đều phải đi theo ngọn cờ bóng đá đẹp
Chính cái tư duy làm bóng đá “vì quần chúng”, các đội bóng Premier League dần tự hạn chế mình và trở thành những chú cừu non khi ra đấu trường Champions League. Jose Mourinho là “tổ sư” phòng ngự, vậy mà để PSG loại khỏi Champions League bởi những tình huống hết sức phổ thông là “bóng chết”. Hình ảnh John Terry và Gary Cahill… kèm nhau thay vì kèm đối thủ mang tính biểu tượng rất cao. Người Anh đang tự níu kéo người Anh.
Tự hạn chế vì họ đang chia sẻ trí lực quá nhiều. Đá bóng cốt để thắng đã khó rồi, đằng này phải đá đẹp, phải chạy quần quật trong suốt 90 phút, phải không ngừng xông lên phía trước. Trong truyện Kim Dung có một nhân vật thú vị tên là Ngốc Bút Ông. Nhân vật này kết hợp giữa võ công và thư pháp. Khi lâm trận thì vừa đánh quyền vừa viết chữ, động tác viết chữ cũng chính là quyền pháp. Nhậm Ngã Hành sau đó nhận xét: đánh nhau trên giang hồ là chuyện sinh tử quan đấu, hơn nhau một chiêu đá khó, toàn tâm đánh nhau còn chưa hẳn ăn ai, ở đó mà còn vẽ vời vớ vẩn.
Trong bộ “Võ Lâm Ngũ Bá” nổi tiếng, Hoàng Dược Sư có lẽ là đông fan nhất vì môn nào ông cũng giỏi. Đã vậy khi xuất thủ thì động tác và bộ pháp lại đẹp vô cùng. Nhưng rốt cục, võ công của họ Hoàng ngày càng tụt hậu so với những nhân vật đương thời và về sau cũng không sánh được với các hậu bối như Quách Tĩnh, Dương Quá. Đấy là vì ông phải chia trí cho quá nhiều việc, không tập trung hoàn toàn vào võ công.
Premier League cũng là nơi quy tụ các HLV tên tuổi nhất thế giới
Premier League hiện tại cũng lâm vào tình trạng phải chia trí ấy. Thắng 1-0 vốn đã khó, đằng này luôn bị ràng buộc phải thắng thật đậm. Đã có 1 bàn thì cố nhân đôi cách biệt, có 2 bàn thì ráng thêm bàn nữa. Tiền đạo phải cố lập cú đúp, có cú đúp thì cố hat-trick, có hat-trick thì cố ghi bàn thêm cho thành… chi chít. Há chả phải là tự bào mòn sức khỏe, tăng nguy cơ chấn thương, phản lại các nguyên tắc chiến thuật đấy sao?
Nhưng tiền bản quyền truyền hình của Premier League càng tăng, con đường trở lại thời hoàng kim tại châu Âu của người Anh lại càng trở nên diệu vợi. Món tiền tấn kia là những đá tảng trên vai, là vòng kim cô trên đầu, khiến người Anh không thể hành sự theo cách mình muốn mà phải chiều theo ý người. Nó cũng đi liền với vận mệnh của chính đội tuyển Anh.
Buồn thay!