Lương tuần của người Đức là 523 bảng, nhưng họ chỉ phải bỏ trung bình 19,17 bảng để mua một tấm vé xem Bundesliga. Tính ra một công dân Đức có thể mua 27 vé bằng lương tuần. Nhìn sang Premier League, lương tuần của một người Anh thấp hơn (411 bảng) nhưng giá vé lại cao nhất châu Âu (28,8 bảng/vé).
Một CĐV Anh dốc hết lương tuần cũng chỉ mua được 14,3 vé. Xét trong sự tương quan giữa thu nhập và chi tiêu, CĐV Đức đến sân “dễ” hơn rất nhiều CĐV Anh.
Câu chuyện giá vé phản ánh sự khác biệt căn bản giữa hai nền bóng đá. Premier League đã thương mại hóa triệt để. Các CLB bù đắp những chi tiêu khổng lồ bằng cách quay lại “hút máu” CĐV với giá vé luôn ở mức “cắt cổ”. Nói cách khác, mối liên hệ đội bóng - CĐV dần trở thành quan hệ kẻ bán - người mua thuần túy. Việc các cầu thủ Sunderland quyên góp trả lại tiền vé cho CĐV sau trận thua 0-8 trước Southampton mùa này là một hành động đẹp, nhưng quá đơn lẻ và lạc lõng giữa một giải đấu kim tiền.
Bundesliga khác hoàn toàn Premier League. CĐV không phải là chỗ kiếm tiền bằng mọi giá. Trái lại, người Đức rất nâng niu, bảo vệ mối quan hệ tình cảm sâu sắc với các CĐV như đó là bản sắc duy nhất của môn thể thao vua. Ở Bundesliga, giá vé không bao giờ làm khó ngay cả những người thuộc tầng lớp dưới trung bình. Tất cả đều có thể đến sân, cầm ly bia trong tay và đứng dậy cổ vũ, những điều không được phép tại Premier League.
Điều đó giải thích tại sao lượng khán giả trung bình tại Bundesliga luôn cao nhất 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu. Điều đó giải thích tại sao các cầu thủ Dortmund mỗi khi hết trận đều dàn hàng ngang chào khán giả tại Signal Iduna Park. Một mối dây tình cảm mật thiết giữa đội bóng và CĐV không phải tự nhiên mà có. Bóng đá Đức nổi tiếng với bộ luật “50+1” quy định các thành viên CLB phải sở hữu ít nhất 51% cổ phần để tránh tình trạng đội bóng rơi vào tay một nhà tài phiệt. Và khi bản sắc, truyền thống CLB được duy trì, các CĐV sẽ không bao giờ quay lưng.
Tất nhiên khi người Đức nói không với chủ ngoại, họ sẽ mất lợi thế cạnh tranh với các đội bóng Anh, Pháp, TBN vốn được vũ trang hùng hậu nhờ nguồn tài chính bên ngoài. Nhưng người Đức vẫn kiên nhẫn tuyệt đối với con đường đã chọn, đó là phát triển bóng đá từ cái gốc của nó là đào tạo trẻ, hệ thống tài chính lành mạnh và sự ủng hộ từ các CĐV. Một hướng đi bền vững nhưng vô vàn gian khổ và thực tế là người Đức đã hái quả ngọt với chức vô địch World Cup, còn Bayern cũng đã tìm lại ngai vàng Champions League.
Người Đức đơn giản chỉ tuân theo quy luật tự nhiên trong bóng đá. Xây dựng từ móng để có một ngôi nhà bền vững. Họ đã không chọn lối đi tắt tới thành công bằng việc bán mình cho các tỷ phú như các đội bóng Anh đang làm, để rồi bị xiết chặt bởi chiếc dây thòng lọng từ luật công bằng tài chính.