Mùa hè 2013
Pep Guardiola cho phép Marti Perarnau, một người bạn và một nhà báo, được tiếp cận đầy đủ với tất cả những chuyện hậu trường của ông với CLB mới trong một năm. Perarnau đã theo Pep như hình với bóng cả trong và ngoài sân cỏ, trải qua vinh quang và cay đắng với ông, để viết nên Pep Confidential.
Munich, ngày 31/1/2014
Đã thành lệ, Guardiola có 3 phiên trao đổi với các cầu thủ trước mỗi trận, mỗi phiên khoảng 15 phút. Ông dùng các hình ảnh để làm rõ quan điểm của mình, các đoạn băng video dài tối đa là 7 phút, và sau đó là thời gian trao đổi.
Vào ngày trước khi diễn ra trận đấu, Pep sẽ phân tích lối chơi tấn công của đối thủ, chỉ ra những điểm nào là nguy hiểm nhất, tập trung vào các cầu thủ quan trọng. Sau đó ông sẽ hướng dẫn chi tiết về các bước phòng ngự mà Bayern cần để ngăn chặn đối phương. Các cầu thủ của ông sẽ triển khai điều đó ở những buổi tập tiếp theo.
Guardiola hưởng dẫn Dante cách cản bước đối thủ
Phiên trao đổi thứ hai diễn ra trước buổi tập vào buổi sáng diễn ra trận đấu, bao gồm giải thích chi tiết cách đối thủ thực hiện các pha ném biên và đá phạt khi tấn công ra sao. Trợ lý HLV Domenec Torrent đã nghiên cứu 50 pha đá phạt gần nhất của đối thủ và giải thích họ thường hay làm gì nhất.
Torrent sau đó sẽ nhắc các cầu thủ phải ở vị trí nào trong những tình huống cố định ngay trước khi trận đấu bắt đầu. Sau phiên trao đổi này, đội tập nhẹ các bài tập tấn công và phòng ngự. Pep vẫn chưa quyết định đội hình ra quân, nên tất cả sẽ phải tham gia đầy đủ mọi phiên tập. Nếu đá sân khách thì họ không tập thêm như thế, mà xem băng ghi hình và tập đá phạt.
Pep thực hiện phiên trao đổi cuối cùng 2 tiếng trước trận ở khách sạn của đội (ông không thích làm điều đó trong phòng thay đồ). Đó sẽ là cuộc nói chuyện để tạo động lực, nhưng cũng gồm một số tổng kết chiến thuật tấn công cho Bayern. Cũng ở phiên trao đổi cuối, ông sẽ công bố đội hình xuất phát.
Các cầu thủ giờ đều biết chính xác họ phải làm gì, ngay cả việc phải thực hiện quả phạt góc đầu tiên, rồi quả đá phạt đầu tiên, ra sao.
Guardiola tập trung toàn đội trước khi trận đấu diễn ra 2 tiếng
Đôi khi, nhưng không phải luôn luôn, Pep sẽ qua các phiên trao đổi cố gắng kích thích các cầu thủ. Chẳng hạn, trong trận lượt về tứ kết Champions League gặp Manchester United đầu tháng 4, Pep bỏ qua phiên trao đổi thứ ba. Ông công bố đội hình xuất phát một ngày trước đó, như thể ông nói ông rất tự tin ở các cầu thủ và không cần phải căn dặn gì thêm. Ngược lại, Bayern tới sân Borrusia Park của Moenchengladbach cho trận đấu ngày 24/1/2014 khi chỉ còn vài phút là khai cuộc, vì phiên trao đổi của Pep dài hơn thường lệ. Ông muốn đảm bảo rằng các cầu thủ của mình không còn lấn cấn gì sau thất bại tan nát 6 ngày trước đó trong một trận giao hữu ở Salzburg: họ đã không chịu chạy và chơi thiếu quyết liệt.
“Tôi có thể đưa chúng ta tiến rất xa”, ông nói. “Tôi có thể phân tích đối thủ và tận dụng hiểu biết chiến thuật của tôi để giúp các cậu ở vào những vị trí thích hợp nhất. Chẳng hạn hôm nay, David (Alaba), tôi không muốn cậu dâng lên quá cao vì bên cánh phải, Stuttgart (Martin Harnik) có thể gây nhiều rắc rối cho chúng ta. Nhưng từ đây trở đi là trách nhiệm của các cậu. Nếu các cậu chơi không đủ quyết liệt, không chịu chạy cho tới khi rã rời, chúng ta sẽ không thể thắng được”.
Pep lên kế hoạch cho 3 phiên trao đổi chỉ sau khi đã phân tích tỉ mỉ đối thủ và đội bóng của ông. Những phiên trao đổi này cũng cho thấy khả năng sáng tạo tuyệt vời ở ông. Xavier Sala-i-Martin, một giáo sư kinh tế học ở Đại học Columbia, Mỹ, giải thích: “Với tôi, Pep là một người sáng tạo tuyệt vời. Ông ấy chiến thắng bằng cách phân tích các điểm yếu của đối thủ và tấn công vào đó. Nhưng hơn thế, ông ấy có thể sáng tạo liên tục ngay cả khi đối thủ nhận ra và sửa được điểm yếu của họ. Guardiola khi đó đã thay đổi chiến thuật của ông rồi. Ông ấy luôn đi trước một bước và luôn đảm bảo triết lý của ông chiếm ưu thế ở khu vực giữa sân, cùng lúc với việc giúp Bayern thích nghi với những đặc điểm của đối thủ cụ thể”.
Tháng 10/2012 ở New York
Guardiola từng trò chuyện với vua cờ Garry Kasparov về cách xử lý đối thủ trong cờ vua cũng như các môn thể thao khác. Kasparov nói với ông: “Ông sẽ không tấn công theo cùng cách trong một trận địa trên núi và một trận địa đồng bằng”. Guardiola cũng ăn tối ở New York cuối năm 2012 với Ferran Adria, một đầu bếp thiên tài sắp đóng cửa nhà hàng của ông, El Bulli. Adria nói: “Pep, ông không chỉ là một HLV, ông là một nhà sáng tạo lớn”. Guardiola đáp lại: “Ferran à, tất cả những gì tôi làm là xem băng ghi hình các đối thủ và tìm ra cách đè bẹp họ. Tất cả những gì tôi làm là nghiên cứu những gì tôi có và lựa chọn những ai tôi cần”.
Guardiola muốn các học trò của ông phải tự ý thức được trách nhiệm và vai trò của mình
Để hiểu toàn bộ triết lý đó được áp dụng ở Bayern ra sao, chúng ta cần nói chuyện với Carles Planchart, trưởng bộ phận phân tích của Guardiola và đã làm việc với ông từ năm 2007, khi Pep còn ở Barca B. Planchart giải thích các giai đoạn khác nhau của công việc: “Về cơ bản việc này có 2 phần: phân tích đội nhà và đội đối thủ. Đó là 2 việc hoàn toàn khác nhau. Bạn là người của đội bóng, xem họ thi đấu 3 ngày 1 trận, nên bạn không có đủ thời gian để sửa tất cả các lỗi của họ trên sân. Vì thế bạn cần phải duy trì liên lạc tốt để nói họ sửa lỗi khi có thể, ngay cả lúc trận đấu diễn ra. Nếu bạn có cả 1 tuần trên sân tập thì việc sửa lỗi sẽ dễ dàng hơn, chẳng hạn như việc hàng thủ quá cao hoặc quá thấp, hay có quá nhiều khoảng trống giữa các tuyến, hay gặp trục trặc trong việc xử lý những quả tạt… Còn nếu không, cách hiệu quả nhất là cho họ xem hình ảnh, vì chúng truyền tải các ý tưởng một cách nhanh chóng”.
Vào cuối mỗi trận, các chuyên gia phân tích tổng hợp lại những kết luận của họ về trận đấu. Họ sẽ bình luận các pha bóng cá nhân và tập thể, cũng như các khía cạnh chiến lược và chiến thuật. Pep sau đó sẽ làm việc với từng cầu thủ cụ thể trong tuần sau đó. Thông thường thì các điều chỉnh chiến thuật và cá nhân sẽ được thực hiện ngay lập tức cho trận đấu tiếp theo.
Mùa này, Planchart đã bổ sung thêm một khía cạnh khác. Giờ Bayern phân tích sự di chuyển cũng như vị trí chiến thuật của từng cầu thủ. Vào cuối trận đấu, họ có tất cả thông số về sự di chuyển cụ thể của mỗi cầu thủ Bayern để xem các cầu thủ này có ra quyết định đúng thường xuyên hay không. BHL duy trì một hồ sơ theo dõi chuyên môn chi tiết với từng cầu thủ. Trong hồ sơ sẽ được phân loại thành nhiều mục, như đánh đầu, kỹ năng đi bóng, chuyền bóng… BHLV sau đó có thể cho từng cầu thủ thấy họ đã làm gì trên sân, cân nhắc đầy đủ vị trí và các ưu tiên chiến thuật của họ. Toàn bộ được ghi hình lại ở góc rộng, để họ có thể đánh giá cầu thủ một cách toàn diện, chứ không chỉ như một cá nhân.
Liên tục chỉ đạo các cầu thủ trong trận đấu
“Pep luôn muốn xem cả trận và chúng tôi đưa băng ghi hình vào máy của ông ấy ngay khi trận đấu kết thúc”, Planchart nói. “Sau đó ông ấy có thể xem cả trận hay những thư mục đã được phân loại, từng cầu thủ, hay theo kiểu xử lý bóng, hay theo các đầu mục chiến thuật khác nhau. Ông ấy cũng sẽ thấy các ghi chú của tôi ở đó, cả về trận đấu nói chung lẫn về những điều cụ thể mà chúng tôi cần phải để mắt tới”.
Phần còn lại của công việc phân tích là tìm hiểu đối thủ, điều rất quan trọng để Bayern lựa chọn cách tiếp cận trận đấu. BTC các giải chuyên nghiệp Đức ghi hình mọi trận đấu ở Bundesliga và Bundesliga 2 với góc từ trên cao và chuyển cho mọi CLB tham dự 2 giải vào mỗi sáng thứ Hai. Champions League chưa có dịch vụ tương tự, nên nhiều đội phải tự quay lại trận đấu.
Với BHL Bayern, ghi hình từ góc trên cao để không bỏ sót chuyển động nào trên sân là hết sức quan trọng về mặt chiến thuật. “Ở Đức, thăm dò đối thủ là một phần công việc, không phải là sự do thám như ở một số giải khác. Chính các CLB đôi khi trao đổi băng ghi hình của họ cho nhau, ở đây là thường”, Planchart giải thích.
Ông thường theo dõi băng hình sau trận đấu
Phân tích đối thủ còn giúp tìm ra được hệ thống thi đấu hợp lý. “Ở Barcelona, bất cứ khi nào đá một trận chung kết Champions League, chúng tôi đều phân tích 12 trận gần nhất của đối thủ, và với các trận bình thường thì 5-6 trận gần nhất. Chúng tôi phải tính tới thời điểm và vị thế của các đối thủ của họ. Sự khác biệt là rất lớn khi xác định xem họ sẽ chủ động hay chờ đợi cơ hội phản công, hay họ có lối chơi giống với chúng tôi hay không”.
Sau khi phân tích 5-6 trận, Planchart chuẩn bị một báo cáo cho Pep, được tổ chức theo các ý tưởng và những pha phối hợp tương quan. Phần trình bày sẽ bằng hình ảnh, dễ hiểu hơn nhiều và cũng dễ đưa ra ví dụ. Nếu Pep thấy có ích, ông sẽ xây dựng lối chơi của Bayern ở trận sắp tới dựa trên những thông tin đó.
“Thường thì ngay khi trận đấu kết thúc, hoặc điều đầu tiên vào sáng hôm sau, tôi sẽ nộp cho ông ấy báo cáo về đối thủ tiếp theo. Tôi làm việc trước 2 tuần, nhưng ông ấy chỉ tập trung vào trận đấu sắp tới. Đôi khi tôi cung cấp cho ông ấy thông tin về một đối thủ ở Champions League sớm hơn một chút vì nếu ông ấy có một tuần lễ không phải đá vào thứ Tư, thì ông ấy có thể nhìn xa hơn một chút. Nhưng thường thì ông ấy chỉ giải quyết từng trận một”.
Guardiola xem báo cáo đó trước, với khoảng 50-60 điểm nhấn giúp ông có được ý tưởng chung về việc xử lý trận đấu tiếp theo ra sao. Đôi khi chỉ nhờ thế mà ông đã hình thành được đội hình xuất phát. Sau đó ông sẽ bắt đầu lên kế hoạch cho các buổi tập với Torrent và Lorenzo Buenaventura.
Guardiola là mẫu người kỹ lưỡng
Trong vài ngày tiếp theo, ông sẽ bắt đầu phân tích chi tiết các đối thủ, xem các trận đấu, hay một phần các trận đấu và tự đưa ra quyết định. Ông sẽ ghi chú rất nhiều và quyết định những ý tưởng chính mà ông sẽ truyền đạt cho các cầu thủ. Đôi khi ông kết hợp với những nhận xét từ các trận đấu trước, vì lý do chiến thuật, hoặc chỉ để tạo động lực và tâm lý thoải mái hơn cho các cầu thủ.
Trong trận đấu, Planchart và nhóm của ông sẽ gửi các hình ảnh về những tình huống cụ thể xuống khu vực huấn luyện, nơi Torrent có một cái iPad để nhận, xem và đánh giá: “Carles gửi những thứ mà ông ấy cho rằng hữu ích vào iPad của tôi, các pha phạt góc, một tình huống phản công… để Pep có thể đánh giá liên tục”.
Những chuyên gia phân tích của Bayern trên các khán đài có máy quay kết nối với iPad của Torrent, với máy tính ở văn phòng của Pep và máy tính trong phòng thay đồ (được kết nối với một màn hình trình chiếu lớn). 5 phút trước hiệp 1, Planchart sẽ vào văn phòng của Pep và lưu toàn bộ các băng ghi hình trong hiệp 1 vào máy tính của ông. Khi đá sân khách, máy tính được đặt trong trong phòng thay đồ.
Trong giờ nghỉ, Pep sẽ được trình bày 3-4 ý tưởng với các cầu thủ bằng các đoạn băng video 2-3 giây. “Ông ấy sẽ hỏi tôi thấy gì trong hiệp 1, vì tầm nhìn của tôi từ khán đài là hoàn toàn khác. Ông ấy lắng nghe rất chăm chú phần báo cáo của tôi. Ông ấy sẽ trao đổi với Torrent về cách sửa những sai lầm và thay đổi thế trận. Ông ấy ghi chú một số ý tưởng rồi sẽ đi vào phòng thay đồ. Còn lại khoảng 5-6 phút, ông ấy sẽ gọi những cầu thủ cần thiết lên, cho họ xem các hình ảnh và nói với họ ông ấy muốn thay đổi ra sao, và trận đấu sẽ tiếp tục”.
Guardiola luôn trao đổi thẳng thắn với các học trò
Munich, 29/3/2014
Ngay sau khi trả lời báo chí trong cuộc họp báo sau trận đấu, ông sẽ tới nhà ăn của các cầu thủ ở Allianz, uống một cốc sâm-panh, ăn vài thỏi phô-mai Parma và ngồi nửa tiếng liền nói về trận đấu. Thường thì ông ấy đứng, và thỉnh thoảng có ngồi xuống. Sau trận đấu ông sẽ thấy rất đói, nhưng không thấy đủ thoải mái để có thể ăn ngay món cá hồi muối chua mà ông ấy rất thích. Đầu tiên ông ấy cần ít nhất 30 phút để đốt hết lượng adrenalin do trận đấu tạo ra. Ông ấy sẽ nói mọi thứ về trận đấu đó, mọi thứ mà ông ấy còn nhớ. “Anh có thấy Rafinha làm gì ở phút 18 không? Cậu ấy di chuyển vào trong 2 mét và khép chặt các khoảng trống khi họ định phản công chúng ta”.
Sẽ không mấy người nhớ nổi như thế. Pep được trời phú trí nhớ gần như một chiếc máy chụp ảnh. Ở điểm này ông giống với Rafael Nadal, một ngôi sao quần vợt có thể nhớ được mọi cú đánh và mọi điểm số trong trận đấu của anh ấy. Tất cả những hình ảnh lưu giữ lại trong tâm trí Pep rất lâu sau khi trận đấu đã qua. Guardiola nhớ mọi tình huống: nó đã diễn ra thế nào, tại sao, cầu thủ nào tham gia và kết quả là gì. Ngược lại, ông không quan tâm tới các con số thống kê.
“Hôm nay chúng ta không cầm bóng nhiều, chỉ 63%”. “À, vậy sao?” “Nhưng Tom Starke là cầu thủ chạm bóng nhiều nhất bên phía Hoffenheim”. “Không lý nào như thế. Nhưng cậu ta chơi hay đấy”. Một câu chuyện điển hình của Pep với các con số thống kê sẽ là như thế.
Guardiola đang gặt hái nhiều thành công cùng Bayern
Ông muốn nói nhiều hơn về thế trận và chiến thuật, chứ không phải những con số. “Anh có thấy Philipp (Lahm) thông minh thế nào không? Làm sao một cầu thủ vừa có thể cầm bóng, tranh cướp và chuyền bóng giỏi như thế?” Hay: “Tôi sẽ phải nói chuyện với Toni (Kroos) vì trước một đối thủ như (Manchester) United, cậu ấy không thể xử lý bóng như thế, họ sẽ nhận ra và cướp mất bóng để phản công”. Hay với Planchart: “Carles, sáng mai mang cho tôi đoạn băng ở phút 36 nhé, tôi muốn cho các trung vệ xem phải đứng ở vị trí thế nào”.
Trong nửa giờ đồng hồ lộn xộn đó, đứng trong nhà hàng, Pep sẽ vừa trò chuyện sôi nổi, vừa làm đủ cử chỉ về trận đấu. Ông sẽ phân tích các cầu thủ, đối thủ, mỗi giai đoạn trận đấu, mỗi tình huống quan trọng, những bàn thắng, mọi thứ.
Rồi suy nghĩ của ông sẽ chuyển sang các trận đấu khác, và một vòng quay mới lại bắt đầu.