PHÍA SAU VẺ HÀO NHOÁNG
Có lửa thì mới có khói. Barca không thể liên tục nói rằng họ bị xử ép, bị đối xử không công bằng, luôn là tâm điểm cho những vụ điều tra, khi mà những scandal, đặc biệt là về tài chính, diễn ra gần như liên tục với đội chủ sân Nou Camp thời gian gần đây. Không ngoa khi nói rằng “ngôi nhà” Barca, như rất nhiều khẩu hiệu của đội bóng, đang “dột từ nóc”. Đó là những vấn đề chưa bao giờ được kiểm soát.Từ chủ tịch đến cầu thủ, những người Barca đang tạo nên cảnh hậu trường chẳng khác nào một băng nhóm tội phạm, một tổ chức mafia ở Tây Ban Nha. Dưới tay Joan Laporta, Sandro Rosell hay Josep Bartomeu, thời nào Barca cũng có vấn đề. Từ việc Laporta lạm quyền khiến 5 thành viên của hội đồng giám đốc từ chức, đến vụ Rosell phải rời ghế vì áp lực từ quá nhiều chi phí phát sinh khó chấp nhận ở vụ chiêu mộ Neymar, rồi Bartomeu sa thải GĐTT Andoni Zubizarretta và suýt khiến Messi rời Barca. Chẳng hàm hồ khi nói rằng cứ làm chủ tịch Barca là phải có scandal.
Rosell (trái) và Bartomeu trong vụ chuyển nhượng Neymar
Những “chóp bu” đã vậy, đạo đức của các cầu thủ cũng chẳng khá khẩm hơn. Trốn thuế dường như đã trở thành một trào lưu của các ngôi sao triệu phú Barca, từ Messi đến Javier Mascherano, Gerard Pique và thậm chí là cả Neymar. Có cảm giác đây là những thứ trở nên quá đỗi bình thường ở Barca, khi mà họ đang tỏ ra coi thường luật pháp. Những mối quan hệ ngầm, những tổ chức đứng sau, những móc nối với các “ông to, bà lớn”, có lẽ là chỗ dựa lưng cho hàng loạt những động thái “coi trời bằng vung”.
CÁI GIÁ PHẢI TRẢ RẤT ĐẮT
Cái giá đầu tiên mà Barca phải trả chính là những án phạt. Thói “đi đêm” với các tài năng trẻ khiến họ mới đây phải nhận án cấm chuyển nhượng 14 tháng, đồng nghĩa với việc phải ngồi ngoài ở các kỳ chuyển nhượng mùa Hè năm nay và mùa Đông năm tới. Bên cạnh đó, những phi vụ trốn thuế hay tham nhũng sẽ không thể qua mắt được pháp luật lâu dài, và trong trường hợp xấu nhất xảy ra, thử tưởng tượng sẽ ê chề ra sao nếu họ phải ngồi tù.Messi vẫn chưa thoát khỏi những phiền toái về thuế
Ai cũng thấy Barca đã phải khổ sở ra sao khi thiếu nhân sự trong giai đoạn nước sôi lửa bỏng hiện tại, khi những chấn thương liên tục đến mà không có cầu thủ thay thế. Khi La Masia không còn sản sinh ra những cầu thủ xuất chúng, khi những bản hợp đồng mới phải chờ đến tháng 1 năm sau mới được ra mắt, khó khăn điều đã được cảnh báo, và nếu điều này vẫn diễn ra như cơm bữa, liệu Barca có còn là chính họ trong các cuộc đua?
Đặt ra câu hỏi, nếu không phải là La Masia đã tạo nên một thế hệ ngôi sao với lối chơi tiqui-taca làm mê mẩn giới túc cầu trong những năm tháng hoàng kim, liệu Barca với những scandal như đã kể ở trên sẽ chiếm được bao nhiêu trái tim của người hâm mộ trên khắp thế giới? Liệu ai còn tin vào cách làm bóng đá tưởng chừng như rất nhân văn này? Điệp vụ giải cứu Barca, e rằng chỉ có những con người của họ mới có thể làm được.