Wenger là một HLV giỏi, không ai có thể phủ nhận điều đó. Không giỏi, làm sao ông có thể đưa Arsenal từ một đội bóng thực dụng đến xấu xí dưới thời George Graham trở thành đại diện tiêu biểu của bóng đá cống hiến như hiện tại? Một chiến lược gia tầm thường liệu có thể phát hiện những siêu sao đẳng cấp thế giới như Thierry Henry, Patrick Vieira hay Cesc Fabregas? Chính “Giáo sư” là một trong những người đi tiên phong cho xu hướng phát triển tài năng trẻ cho tương lai lâu dài.
Tài năng của chiến lược gia người Pháp đã “cứu” Arsenal qua giai đoạn nguy khốn nhất, khi họ khởi công dự án xây sân Ashburton Groves (hay Emirates, theo nhà tài trợ). Không ai có thể làm tốt chính sách “thắt lưng buộc bụng” hơn Wenger, mà vẫn có thể giúp đội bóng đều đặn cán đích trong top 4, dù hầu như năm nào cũng mất đi một vài ngôi sao sáng giá.
Khi Henry, Vieira, Fabregas hay Alex Song lần lượt ra đi, các CĐV Arsenal vô cùng giận dữ. Nhưng tuyệt nhiên, họ chẳng bao giờ chỉ trích Wenger. Họ thừa hiểu ông buộc phải làm thế, trong hoàn cảnh BLĐ không thể cấp thêm ngân sách. Ông là người có công, không có tội.
Hơn nữa, “Giáo sư” đã trở thành một phần máu mủ của đội bóng Bắc London. Cũng giống như Sir Alex Ferguson tại Old Trafford, dáng vóc cao lêu đêu và gương mặt khắc khổ của HLV người Pháp bên đường pitch đã trở thành một hình ảnh quá đỗi quen thuộc. Cái gì quen thuộc thì luôn khiến người ta lưu luyến. Chẳng phải ngẫu nhiên mà các CĐV “Pháo thủ” thích viết tên đội bóng là Arsènal, theo tên tiếng Pháp của Wenger. Arsenal và Arsène Wenger tuy hai mà một.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, HLV 64 tuổi có khá nhiều điểm hạn chế. Chiến thuật chơi bóng ngắn, tinh tế và kỹ thuật của các cầu thủ Arsenal rất ngẫu hứng, rất đẹp mắt và đáng xem, nhưng lại không có được sự thực dụng cần thiết của bóng đá hiện đại. Họ lại chưa đủ mạnh để có thể theo đuổi lối đá đẹp một cách hủy diệt như Barca của Pep cách đây ít năm. Đã thế, Wenger lại chẳng hề có kế hoạch B khi phải đối đầu những đội bóng lớn hơn, hoặc những CLB đã “bắt bài” được họ.
Thói quen mua sắm của Wenger cũng là một vấn đề đáng bàn. Trong thời kỳ chuyển nhượng lên ngôi, các CLB tiêu tiền như… cỏ rác, thì Arsenal vẫn duy trì phong cách của thời thập niên 2000. Ông vẫn mua sao trẻ, bán sao lớn, hoặc có mua (như Mesut Oezil) thì cũng vô cùng rón rén, họ đã bỏ lỡ thương vụ Luis Suarez cũng vì lý do này. Thử nghĩ xem, nếu có cả chân sút người Uruguay - người có khả năng ghi tối thiểu 25 bàn/mùa, chức vô địch Premier League với họ liệu có trở nên xa vời như hiện nay hay không?
Ngoài ngoại lệ của Alex Ferguson, những HLV lão làng hiếm khi gặt hái được thành công tại Premier League. Fergie rất biết cách thích nghi, đồng thời phong cách làm việc của ông vốn cũng đã rất hiện đại. Trái lại, sự lỗi thời, bảo thủ là đặc điểm chung của những chiến lược gia cao tuổi, nguyên nhân này cũng từng khiến huyền thoại Kenny Dalglish phải rời Anfield trong nỗi thất vọng tột cùng vào Hè năm 2012.
Wenger không phải mẫu chiến lược gia quá cổ điển, nhưng cũng chẳng phải người giỏi biến hóa như Sir Alex. Dẫu sao, vẫn có khả năng lớn "Giáo sư" sẽ đưa được Arsenal tới chức vô địch Cúp FA năm nay, và chấm dứt chuỗi 8 năm không danh hiệu. Nhưng sự có mặt của ông tại Bắc London ở mùa bóng thứ 19 và thậm chí lâu hơn thế chắc chắn đã không còn nhận được sự ủng hộ nhiều như trước.