Đúng là các cầu thủ M.U dưới triều đại Moyes không thể chơi bóng như khi họ còn được dẫn dắt bởi Sir Alex Ferguson, nhưng điều đó không thể biện hộ cho những thương vụ mua sắm tệ hại. Vấn đề không chỉ là những gì diễn ra trên sân, mà là cả cấu trúc ở CLB. Vì thế, bài toán của Man United không chỉ đơn giản là tìm người thay thế Nemanja Vidic hay là các cầu thủ đã luống tuổi.
Và vấn đề cấu trúc đó không thể chỉ ở trên sân bóng. Vào mùa Hè này, tân phó giám đốc điều hành Ed Woodward đang có một kế hoạch du đấu hoành tráng nữa. Đó là một rủi ro lớn cho M.U, khi các cầu thủ sẽ phải di chuyển những chặng đường dài và đội bóng càng ít cơ hội trở lại tốp 4.
Thực ra, các thị trường ngoại quốc không hẳn là béo bở như nhiều người vẫn nghĩ. Giống như ở Anh, chẳng mấy ai quan tâm tới bóng chày. Châu Á và Mỹ cũng không khác, trừ việc xem bóng đá mỗi tuần. Với những khán giả truyền hình, chỉ có chiến thắng mới là điều quan trọng. Chúng ta có thể không biết đội nào đã vô địch giải bóng chày World Series ở Mỹ mùa vừa rồi, nhưng chắc chắn biết là ai là nhà quán quân Premier League. Man United nên tập trung trước hết cho điều đó.
Trở lại với vấn đề Moyes, nhà báo của Daily Mail Martin Samuel tiết lộ rằng, trong một bữa tối với Ferguson vài năm trước, HLV người Scotland đã nói ông muốn Ryan Giggs là người kế nhiệm mình. Nhưng việc Giggs nối dài sự nghiệp cầu thủ đã gây ra trở ngại. Thật ra, Moyes không có lỗi nhiều trong cuộc chuyển giao tai họa này. Là một người ngoài, ông khó lòng hiểu hết cách thức quản trị suốt 27 năm rưỡi của Ferguson ở Old Trafford.
Sir Alex luôn dậy vào lúc 7 giờ sáng trong khoảng thời gian đó. Ông có thể không tham gia vào mọi buổi tập, nhưng sẽ không có gì ở Man United chuyển động nếu như không được Fergie đồng ý. Người ta nói nhiều tới Carlos Queiroz, rồi sau này là Renee Maulensteen, như những trợ tá đắc lực đầy tài năng của Ferguson. Nhưng rồi cả hai đã cho thấy họ chỉ là những vai phụ mờ nhạt. Queiroz đã không thể tỏa sáng khi được giao vai chính ở Real Madrid, rồi ĐT BĐN.
Với Maulensteen, đúng là ông chưa có nhiều thời gian ở Fulham, nhưng thành tích của ông ở đó trong khoảng thời gian ngắn ngủi vừa rồi (4 chiến thắng trong 17 trận, 37 bàn thua) là đủ khiến nhiều người đi tới kết luận.
Trong 6 tháng đầu mùa giải, cùng với việc chia tay toàn bộ ban huấn luyện cũ, những hoạt động chuyển nhượng cũng cho thấy Moyes đang sa lầy. Điểm lại 8 chữ ký cuối cùng của Ferguson: Ashley Young, David de Gea, Nick Powell, Shinji Kagawa, Robin van Persie, Angelo Henriquez, Alex Buttner và Wilfried Zaha, có thể thấy không phải tất cả đều tuyệt vời, nhưng chắc chắn là không tệ. Van Persie, Kagawa và Young đã chơi chật vật dưới thời Moyes, nhưng những gì xảy ra mùa trước lại hoàn toàn khác.
Nhưng vấn đề không chỉ là năng lực của Moyes. Vấn đề là hệ thống của Man United đã quá lỗi thời và phụ thuộc vào thiên tài của một cá nhân duy nhất. Ferguson đã có hơn 25 năm xây dựng đội bóng cũng như hình ảnh của ông. Sir Alex biết rõ mọi ngóc ngách ở Old Trafford. Bất kỳ ai thay thế ông trên thực tế là bắt đầu từ con số không. Cũng không thể trách Ferguson. Ông đã tới Old Trafford với tư cách một người chiến thắng, và cũng ra đi với tư cách đó.
Ngược lại, Moyes tới Old Trafford trong tư thế một HLV chẳng giành được danh hiệu nào đáng kể, và rất có thể ông cũng sẽ ra đi với thành tích đáng buồn như vậy.