Giai đoạn đầu mùa giải, Arsene Wenger từng bị chỉ trích rất nhiều bởi bài toán hàng công của “Pháo thủ” đến trẻ con cũng nhìn ra. Họ đã thất bại trong nỗ lực mua Luis Suarez ở kỳ chuyển nhượng Hè, nhưng may thay, thương vụ chiêu mộ Mesut Oezil ở những ngày cuối đã vớt vát lại niềm tin cho các CĐV cũng như các cầu thủ.
Wenger đã chứng tỏ được cho tất cả thấy rằng ông chẳng cần tới một "siêu tiền đạo" để thành công. Một đội bóng với lối chơi một tiền đạo thì hoặc là tiền đạo ấy phải cực kì xuất sắc, hoặc những vệ tinh xung quanh phải vô cùng ăn ý để làm thay nhiệm vụ ghi bàn. Wenger chọn vế thứ hai. Với Aaron Ramsey, Jack Wilshere, Theo Walcott và Oezil xung quanh, Olivier Giroud chỉ cần tập trung làm tường, tạo khoảng trống và... thỉnh thoảng ghi bàn để nhắc cho người ta nhớ anh mới là tiền đạo cắm.
Quả thực, với đội hình mạnh nhất, Arsenal từng tấn công vô cùng biến hóa, ngẫu hứng và tinh tế. Bàn thắng có thể đến từ bất kỳ ai, từ bất cứ vị trí nào. Chức vô địch lượt đi cho người hâm mộ đội bóng Bắc London cái cảm giác rằng, họ đang rất gần danh hiệu đầu tiên kể từ năm 2005, trong một mùa giải mà đa phần các “đại gia” dường như đều thiếu sự ổn định cần thiết.
Arsenal từng thăng hoa với lực lượng mạnh nhất
Tuy nhiên, chỉ khi những chấn thương kéo đến cướp đi của Wenger hết Ramsey, Wilshere tới Walcott, Arsenal mới bộc lộ rõ bộ mặt thật của mình. Họ vẫn chỉ như bao năm qua, với một đội hình mong manh dễ bị khuất phục bởi cơn bão chấn thương quái ác. Vị trí thứ 2 hiện tại không nói lên điều gì, bởi giới mộ điệu có thể cảm nhận rõ sự yếu kém trong khâu tấn công của “Pháo thủ” thời gian gần đây.
Nếu như giai đoạn lượt đi, Arsenal chiến thắng nhờ những miếng phối hợp ăn ý, cực kỳ chính xác ở tốc độ cao giữa những tài năng “thế hệ 92” như Wilshere, Walcott, Ramsey… khả năng giữ bóng và thu hút của Giroud, thì lúc này, nếu không nhờ những màn tỏa sáng cá nhân (như Cazorla trước Fulham hay Ox-Chamberlain trước Crystal Palace) thì “Pháo thủ” chỉ còn biết trông đợi vào tài săn bàn của tiền đạo cắm mà thôi. Đáng tiếc, tiền đạo cắm của họ lại không đủ khả năng vực dậy cả hàng tấn công rệu rã.
Thống kê cho thấy, Giroud giỏi chuyền bóng, làm tường hơn là tự mình dứt điểm. Trong 24 trận đã đấu, tiền đạo người Pháp chỉ ghi được số bàn tương đương với "người cũ" Robin Van Persie (10 bàn), cầu thủ đá ít hơn anh tới… 9 vòng vì chấn thương. Anh bỏ lỡ 13 cơ hội rõ rệt so với 5 của chân sút Hà Lan. Mặc dù vậy, cựu sao Montpellier lại chuyền bóng tới 769 lần, chỉ kém đôi chút so với Ramsey hay Wilshere, những tiền vệ trung tâm.
Wenger hẳn rất nhớ "người cũ" Van Persie
Trong những trận cầu lớn, khả năng săn bàn của Giroud lại càng không đáng bàn. Anh chưa 1 lần chọc thủng lưới các đội bóng trong top 4 hiện tại ở mùa giải năm nay. Pha lập công đáng kể nhất của chân sút 27 tuổi này có lẽ là bàn vào lưới “hàng xóm” Tottenham từ đầu tháng 9 năm ngoái.
Tại Emirates rạng sáng nay, hình ảnh một Giroud đơn độc và vô hại một lần nữa được tái hiện. Thậm chí, anh còn chẳng hoàn thành nổi nhiệm vụ tạo khoảng trống và kiến tạo như thường lệ, bởi đã bị Nemanja Vidic bên phía M.U khóa chặt. Vốn dĩ đã chẳng còn tiền vệ nào biết ghi bàn, nay lại còn chẳng tạo được cơ hội nữa, kết quả hòa trước đội ĐKVĐ đang khát điểm có lẽ còn là may mắn với “Pháo thủ” Bắc London.
Wenger không sai khi tin tưởng vào Giroud, bởi nếu như có lực lượng mạnh nhất, anh là bổ sung hoàn hảo cho các tiền vệ công xuất sắc xung quanh. Nhưng ông đã sai khi nghĩ rằng một mình anh là đủ cho cuộc đua vô địch. Thử tưởng tượng, nếu như có thêm Suarez hoặc Gonzalo Higuain, Arsenal liệu có bế tắc trước Liverpool hay M.U đến như thế?