HLV luôn luôn phải đau đầu vì vấn đề lực lượng, không ai là ngoại lệ. “Nghèo” như Brendan Rodgers của Liverpool hay Arsene Wenger của Arsenal (chí ít là so với các “đại gia” khác) thì phải “liệu cơm gắp mắm”, thường xuyên trung thành với một sơ đồ xuất phát và những con người đang có. “Giàu” như Pellegrini (Man City), Mourinho (Chelsea) hay Moyes (M.U) thì lại phải đảm bảo mọi cầu thủ đều hài lòng với vai trò của họ tại đội bóng.
Cách duy nhất để duy trì bầu không khí tích cực trong phòng thay đồ khi bạn là một HLV và sở hữu một đội hình với 2 ngôi sao cho mỗi vị trí, đó là xoay vòng lực lượng. Phương pháp này có điểm tích cực là giúp tất cả các cầu thủ luôn trong trạng thái sung sức, ngay cả ở những thời điểm lịch thi đấu khắc nghiệt nhất. Việc xoay vòng sẽ là bắt buộc đối với những CLB phải chia sức trên nhiều đấu trường khác nhau.
Tuy vậy, một mặt trái chết người của xoay vòng lực lượng, đó là khiến các cầu thủ không duy trì được cảm giác thi đấu thường xuyên, lối chơi dễ trở nên rời rạc, thiếu ăn ý. M.U và phần nào là Man City đang rơi vào tình trạng này.
Moyes đã xoay tua quá nhiều
Nếu nói về xoay vòng, thì Chelsea là đội xoay vòng nhiều nhất. Với đội ngũ hùng hậu bậc nhất Premier League, việc Mourinho thường xuyên xoay tua cũng là điều dễ hiểu. Vậy vì sao ngoại trừ giai đoạn đầu mùa, đội bóng Tây London lúc này lại không hề mảy may tỏ ra bất ổn như hai “đại gia” thành Manchester?
Nguyên nhân là bởi cách “Người đặc biệt” xoay vòng không giống như cách “công nhân” Moyes hay “kỹ sư” Pellegrini làm. Tiêu chí đầu tiên cho mọi quyết định nhân sự, từ mua bán, sắp xếp hay thay người của Mourinho là phải phù hợp với “cá tính” ông đang cố gắng định hình cho Chelsea. Chẳng thế mà một cầu thủ mỏng cơm và kĩ thuật như Oscar cũng bị “gò” vào những bài tập thể lực và được yêu cầu tham gia phòng ngự tích cực hơn. Juan Mata hay Kevin De Bruyne không thể thay đổi theo ý HLV người Bồ cũng đã bị đẩy đi… Tóm lại, mọi cầu thủ đều phải phục vụ cho lối chơi của Mou, không hề có ngoại lệ.
Đó là lý do mà khi chiến lược gia người Bồ thay người, mọi cá nhân đều hòa nhập ngay vào lối đá chung của toàn đội. Họ chỉ có một phong cách, một kim chỉ nam, đó là vừa tấn công vừa phòng ngự, đảm bảo sự chắc chắn tuyệt đối trước khi tung ra những miếng đánh phản công sở trường. Andre Schuerrle, Willian, Fernando Torres, Samuel Eto’o hay các tân binh như Nemanja Matic, Mohamed Salah... Bất cứ ai tại Stamford Bridge cũng đều mang nặng “tư tưởng Mourinho”.
Matic với phong cách phù hợp đã được Mourinho đưa trở lại Chelsea
Yếu tố thứ hai làm nên “nghệ thuật xoay vòng” của Mou, đó là ông chỉ xoay vòng những vị trí có thể xoay vòng. Ông không “dại dột” đụng vào hàng thủ và tuyến giữa, những vị trí tối quan trọng và cần sự ổn định. Ramires, John Terry, Gary Cahill và Cesar Azpilicueta là những cái tên không thể thay thế trong hầu như mọi trận đấu. Đó là cách làm hoàn toàn khác với Moyes, khi chiến lược gia của “Quỷ đỏ” đưa ra tới 84 sự thay đổi đội hình kể từ đầu giải, với những thử nghiệm lên xuống ở cặp trung vệ và cặp tiền vệ trung tâm.
Man City dưới triều đại Pellegrini có lực lượng mạnh hơn, nhưng họ cũng không tránh khỏi bị tác động bởi những quyết định xoay vòng khá thường xuyên của chiến lược gia người Chile. Ngoại trừ Yaya Toure và Vincent Kompany, chẳng một ai là không thể bị “Ngài kỹ sư” động tới. Bản thân trung vệ đội trưởng người Bỉ có lẽ đôi lúc cũng tự hỏi không biết chơi bên cạnh mình sẽ là Martin Demichelis hay Matija Nastasic. Thậm chí, vị trí thủ môn là nơi cần sự ổn định bậc nhất của “Citizens” cũng từng được luân phiên giữa Joe Hart và Costel Pantilimon.
Tóm lại, xoay vòng là điều cần thiết, nhưng muốn đi kèm với sự hiệu quả, nhà cầm quân cần phải biết cách xoay vòng sao cho hợp lý. Moyes hay phần nào là Pellegrini vẫn đang hoán đổi đội hình một cách khá… bừa bãi. Và một khi điều đó còn chưa được cải thiện, họ nên chuẩn bị tinh thần nhìn chức vô địch rơi vào tay Chelsea của "nghệ nhân" Mourinho.