Man City, từ khi được bán cho các tỷ phú Abu Dhabi, chính là đội bóng mở ra trào lưu này. Họ qua mặt Chelsea của Roman Abramovich. Và khi M.U bị đánh bật khỏi cuộc đua trong thời kỳ “hậu Ferguson” thì dù trông cậy khả năng chuyên môn của HLV Louis van Gaal, một ngân sách “khủng” vẫn được cấp cho Van Gaal như là biện pháp bắt buộc hòng nhanh chóng vực dậy đội bóng. Có vẻ như các đội bóng lớn tại Anh chỉ biết một cách duy nhất để tranh chấp ngôi cao, đó là chi tiền để củng cố thế lực.
Bóng đá đỉnh cao không thể chỉ gồm mỗi con đường ấy. Borussia Dortmund - khi họ hạ bệ Bayern Munich ở Bundesliga chỉ tiêu 46 triệu bảng - bằng với ngân quỹ của đội Stoke City ở Premier League. Và cũng đừng nghĩ Bundesliga chỉ có mỗi Bayern, hoặc La Liga chỉ có Real Madrid cùng Barcelona. Các anh hào “hạng hai” của TBN đã vô địch Cúp UEFA/Europa League 6 lần, chỉ tính từ năm 2004 đến nay. Còn các đệ nhị anh hào ở Đức? Cần biết: Schalke có thành tích thi đấu trên sân cỏ châu Âu tốt hơn Arsenal trong vòng 5 năm gần đây, hoặc Leverkusen hiện đứng cao hơn Man City trong bảng xếp hạng các CLB châu Âu.
Chính vì đua nhau chi tiền nên các “đại gia” ở Premier League rút cuộc vẫn chỉ kìm hãm lẫn nhau, không có đội nào thực sự chiếm lĩnh thị trường trong nước, để rồi tất cả lại bị tiếp tục cuốn vào vòng xoáy tiền bạc. Quá nhiều tiền đã được chi ra, nhưng yếu tố tài năng và sức mạnh chuyên môn lại không được cải thiện bao nhiêu. Hy vọng vượt qua vòng bảng Champions League trong đêm nay của Man City giảm hẳn chỉ vì Sergio Aguero chấn thương (và khi Aguero sớm rời sân vì chấn thương, nhà vô địch Anh phải nhờ một quả phạt đền gây tranh cãi mới thắng nổi Everton tại sân nhà trong vòng đấu cuối tuần qua ở Premier League).
Man City đang phụ thuộc quá nhiều vào Aguero
Giá trị chuyên môn của Man City chỉ đến thế? Aguero, suy cho cùng, đâu phải là ứng cử viên tranh “Quả bóng vàng FIFA”? Đấy chính là chỗ tai hại của con đường rải tiền để củng cố thế lực. Trong lần gần nhất bị loại khỏi Champions League ngay sau vòng bảng, Man City đã thua trong cả 3 chuyến làm khách trên sân Ajax, Real, Dortmund. Ở mùa bóng ngay trước đó, Man City cũng thất thủ trên sân Napoli và bị loại vì xếp sau đối thủ ấy. Bây giờ, Man City đứng trước nhiệm vụ phải thắng trên sân AS Roma (dù thắng cũng chưa chắc đi tiếp). Nhà vô địch Anh sẽ giải quyết vấn đề của họ bằng đồng tiền hay năng lực chuyên môn? Không phải ngẫu nhiên mà kể từ khi trở thành CLB giàu nhất thế giới (mùa bóng 2008/09), Man City chỉ mới một lần vượt qua vòng bảng Champions League (và ngay lập tức dừng chân ở vòng kế tiếp).
Nhìn về lâu dài, việc các CLB giàu có của Anh không thành công lắm trong lĩnh vực chuyên môn ở các cúp châu Âu rất tai hại. Bundesliga hiện chỉ còn kém Premier League hơn 2.000 điểm trong bảng xếp hạng các giải VĐQG của UEFA. Đến cuối mùa này, khi điểm số của mùa bóng 2010/11 (Anh hơn Đức khoảng 3.000 điểm) bị bỏ ra khỏi hệ thống thì gần như chắc chắn Premier League rớt xuống vị trí số 3, dưới cả Bundesliga. Thêm một mùa nữa, Premier League sẽ lại mất khoảng 11.000 điểm so với Serie A.
Nếu văng khỏi “Top 3” thì Premier League chỉ còn 3 suất dự Champions League trong tương lai. Hậu quả nhãn tiền chứ chẳng chơi!