Năm 2006, Chelsea đưa tiền vệ người Đức - Michael Ballack về từ Bayern Munich theo dạng CNTD. Khi đó là đội trưởng ĐT Đức và vừa trải qua một kỳ World Cup thành công, Ballack được coi là một chữ ký rất khôn ngoan của Chelsea, một tuyên bố đầy tham vọng của đội bóng Tây London.
Sự có mặt của anh cũng bắt đầu cho thay đổi trong đội hình chiến thuật tại Stamford Bridge khi HLV Jose Mourinho chuyển sang sơ đồ 4-1-2-1-2, hay 4-2-2 với hàng tiền vệ hình thoi, để có thể cho ra sân cùng lúc 4 tiền vệ trung tâm đẳng cấp thế giới của ông lúc bấy giờ. Bên cạnh Ballack, 3 người kia là Frank Lampard, Michael Essien và Claude Makelele. Tuy nhiên, hệ thống mới không mang lại hiệu quả như mong muốn và Chelsea chỉ về nhì ở mùa 2006/07, kém 6 điểm so với đội vô địch Manchester United.
The Blues giành Cúp FA an ủi, nhưng thử nghiệm đội hình của Mourinho vẫn là một thất bại, và các đội Premier League dần từ bỏ hệ thống 4-4-2 hình thoi, tính cho tới mùa giải này. Trong khi không hẳn là một bản sao hoàn toàn của sơ đồ 4-1-2-1-2 Chelsea Mourinho 2006, Manchester United, West Ham, Queens Park Rangers và Liverpool đều đã sử dụng qua sơ đồ hàng tiền vệ hình thoi ở mùa 2014/15. Hệ thống 4-3-1-2 cho phép các đội duy trì số đông ở trung tuyến, đồng thời vẫn có 1 số 10 kiến tạo giữa hàng tiền vệ và hàng công.
Mourinho từng manh nha ý định sử dụng sơ đồ 4-3-1-2 mùa 2006/07 nhưng bất thành
Với Man United, cầu thủ đó sẽ là Wayne Rooney hoặc Juan Mata. Với West Ham là Stewart Downing hoặc Mauro Zarate, trong khi Raheem Sterling đã thay đổi để chơi "số 10" ở Liverpool. Với Man United và West Ham, 4-3-1-2 là sự thay đổi so với sơ đồ quen thuộc của họ ở mùa trước 4-2-3-1, trong khi với Liverpool, từng xuất trận với sơ đồ 4-2-3-1 7 lần mùa trước, đó chỉ là sự làm quen lại.
Man United có lẽ là đội thú vị nhất. Từng thử nghiệm 3-4-1-2 vào đầu mùa, nhưng các chấn thương đã buộc HLV Louis Van Gaal phải quay lại sơ đồ 4 hậu vệ. Việc ông có được Angel Di Maria cũng khiến sơ đồ 4-3-1-2 dễ áp dụng hơn ở Old Trafford. Xuất thân là một tiền vệ cánh, nhưng Di Maria đã cho thấy anh thực sự tỏa sáng ở vị trí lệch vào trung tâm hơn ra sao ở Real Madrid mùa trước, là động lực chính giúp Los Blancos giành La Decima ở Champions League, đồng thời gây ấn tượng mạnh trong màu áo ĐT Argentina vào chung kết World Cup 2014.
Di Maria là cầu thủ có nhiều đường kiến tạo nhất trong 5 giải đấu hàng đầu châu Âu (17) năm 2014, 11 trong số đó là ở những trận anh đá chính với vai trò tiền vệ trung tâm. 3 đường kiến tạo của anh ở Premier League cho Man United cũng là từ vị trí tương tự. Số 7 mới của Quỷ đỏ có khả năng sáng tạo, đi bóng lắt léo và tư duy tốc độ để đảm nhận vai trò mới. Trong khi đó, Ander Herrera và Daley Blind cùng nhau chia sẻ nhiệm vụ phòng ngự, giúp Man United trở thành một đội bóng cân bằng hơn nhiều.
Sự xuất hiện của Di Maria giúp Van Gaal có thể áp dụng sơ đồ 4-3-2-1 hiệu quả hơn
Nhưng phải nói là nếu như Di Maria chỉ đang làm đúng với những gì được kỳ vọng ở anh, một chữ ký kỷ lục 60 triệu bảng, thì sự tỏa sáng của Downing ở West Ham mùa này là bất ngờ với nhiều người. Tuyển thủ Anh từng chơi rất tệ mùa trước, nhưng mùa này anh thể hiện một hình ảnh khác hẳn. 4 trong 7 trận đá chính của Downing ở Premier League là trong vị trí "số 10" hay trung tâm hàng tiền vệ, cũng là những trận mà anh đã có cả 3 đường kiến tạo tính tới thời điểm này. Bên cánh phải, Downing là một cầu thủ dễ đoán, không còn ở đỉnh cao, tức là cũng đã mất đi tốc độ từng khiến anh chơi thành công cho Middleborough và Aston Villa. Sự điều chỉnh vị trí và phong cách chơi bóng, vì thế, giúp anh tìm lại mình tại The Hammers.
Downing thật sự tái sinh trong vai trò ở trung tâm. Với 2 tiền đạo thay vì 1, West Ham luôn tỏ ra nguy hiểm hơn trong các pha tấn công so với mùa trước. Việc sử dụng Downing ở vai trò lùi lại phía sau cũng khiến anh khó kèm hơn. Downing giờ có nhiều khoảng trống và thời gian hơn để xử lý bóng. Nhờ thế, anh tạo ra những mối đe dọa rất đa dạng với đối thủ của West Ham. Trung bình 3,1 đường chuyền quan trọng mỗi trận mùa này cho thấy ảnh hưởng của anh lớn ra sao, đồng thời là sự tiến bộ lớn so với mùa trước (2).
Sterling là một ví dụ khác về việc một cầu thủ chạy cánh có thể được điều chỉnh đá số 10 ra sao trong sơ đồ 4-3-1-2. Chiến thắng 3-0 của Liverpool trước Tottenham mùa này là lần đầu tiên HLV Brendan Rodgers sử dụng sơ đồ nói trên, với Sterling đá "số 10" đằng sau cặp tiền đạo Daniel Sturridge - Mario Balotelli. Bất cứ khi nào The Reds tấn công, cặp tiền đạo của họ sẽ dạt ra 2 cánh, lôi kéo cặp tiền vệ trung tâm của Spurs - Etienne Capoue và Nabil Bentaleb chạy ra khỏi vị trí an toàn của họ.
Sterling có thể kéo vào đá số 10 nếu Rodgers đổi từ 4-2-3-1 sang 4-3-1-2
Sterling nhờ thế được tự do lao lên đe dọa các trung vệ của đối phương, Jan Vertonghen và Younes Kaboul, những người không thể nào đối phó nổi với tốc độ của tiền vệ 19 tuổi. Chính một tình huống như thế dẫn tới bàn mở tỉ số của Sterling trong chiến thắng ở White Hart Lane, khi Jordan Henderson chuyền cho Sturridge bên cánh phải, rồi Sturridge tạt bóng cho Sterling dứt điểm từ cự ly gần. Thành công của Sterling trong sơ đồ 4-3-1-2 có thể là lý do khiến HLV ĐT Anh Roy Hodgson thử nghiệm điều đó với đội bóng của ông, khi Sterling chơi "số 10" trong chiến thắng 2-0 của Tam sư trước Thụy Sĩ hồi tháng trước.
Việc các cầu thủ chạy ánh được bố trí ở trung lộ không phải là điều gì mới. Ryan Giggs từng điều chỉnh phong cách và vị trí ở giai đoạn cuối sự nghiệp tại Man United, nhưng điều đó đang trở nên đặc biệt phổ biến ở Premier League mùa này. Các cầu thủ chạy cánh chơi trung lộ khiến cho hàng thủ đối phương khó đối phó hơn nhiều, bởi lẽ bất cứ lúc nào họ cũng cũng có thể dạt ra cánh trở lại để tạo ra rất nhiều mũi tấn công khó đoán trước.
Van Gaal có thể đã buộc phải chuyển sang sơ đồ nó, nhưng Sam Allardyce và Rodgers thì đã sử dụng đội hình mới một cách có chủ đích. Dù còn chưa hoàn hảo, họ đã đưa ra nhiều gợi ý chiến thuật thông minh cho các HLV khác ở Premier League.