Đó có vẻ như là những chữ ký thiếu kế hoạch, quá đắt so với giá trị và hoàn toàn ngẫu nhiên, nhưng trong hỗn loạn vẫn có trật tự. HLV Louis van Gaal sớm thừa nhận rằng đội hình của ông không đủ tiêu chuẩn. Trong khi những thiếu hụt ở hàng thủ và trung tâm hàng tiền vệ là điều ai cũng biết, HLV người Hà Lan có vẻ nhận ra rằng Man United còn thiếu chiều sâu ở nhiều vị trí khác. Sau khi chứng kiến hàng công đắt giá của ông, với bộ ba Wayne Rooney, Robin van Persie và Juan Mata, toát mồ hôi mà không làm gì được một Burnley vừa thăng hạng cuối tuần trước, Van Gaal đã quyết định ông cần một canh bạc, và tăng cường cho hàng tiền đạo lúc này khẩn thiết hơn so với phía sau.
Không tin tưởng những người dự bị Javier Hernandez và Danny Welbeck, ông đã muốn Woodward mang về một khẩu pháo hạng nặng, và Radamel Falcao đã có mặt tại Old Traffrod. Nhìn lại thì những vụ mua sắm của Man United không thể nói là hoàn toàn thiếu kế hoạch. Falcao ở một đẳng cấp khác so với Welbeck hay Hernandez, Angel Di Maria ở hai đẳng cấp khác so với Nani, Daley Blind hẳn phải hay hơn Tom Cleverley và Ander Herrera, khá dễ dàng, sẽ đóng góp nhiều hơn Marouane Fellaini. Thêm vào đó Luke Shaw và Marcos Rojo, Man United đã cải thiện đội hình của họ gần như ở mọi vị trí.
Chỉ cần nhìn vào danh sách thanh lý là sẽ thấy đội hình Van Gaal thừa kế từ David Moyes kém cỏi ra sao. Welbeck tới Arsenal, Hernandez-Madrid, Shinji Kagawa-Dortmund, Nani-Sporting Lisbon, Alexander Buttner-Dynamo Moscow, Bebe-Benfica, Federico Macheda-Cardiff. Trong khi Tom Lawrence được mang cho mượn ở Leicester, Cleverley-Villa, Nick Powell-Leicester, Wilfried Zaha-Palace và Michael Keane-Burnley.
Shinji Kagawa đã trở lại Dortmund
Với các hậu vệ kỳ cựu đều ra đi trong mùa hè như Rio Ferdinand-QPR, Nemanja Vidic-Inter Milan, Patrice Evra-Juventus, Man United vừa trải qua một cuộc cách mạng nhân sự toàn diện và để nâng cấp đội hình gần như ở mọi vị trí, dễ hiểu là họ phải chi thật đậm.
Vấn đề ở Old Trafford là nghiêm trọng, và cần một giải pháp khác thường. Họ đang đứng trước nguy cơ tụt lại phía sau, không chỉ so với những gã khổng lồ châu Âu như Real Madrid, Barcelona và Bayern Munich, mà cả các kình địch trong nước Chelsea, Man City, Arsenal và Liverpool.
Đó là một vấn đề mang tính cấu trúc. Quản trị bóng đá ở Man United từ khi nhà Glazer mua lại CLB năm 2005 nhắm tới việc làm ra tiền, thay vì tìm kiếm danh hiệu (dù nhờ có phép màu của Sir Alex Ferguson, họ đã làm được 2 việc đó cùng lúc).
Hệ quả là một khi Sir Alex ra đi, đội bóng cần những khoản đầu tư lớn ngay lập tức. Trước đó, Man United đã miệt mài kiếm tiền, niêm yết trên sàn chứng khoán New York, ký hàng trăm hợp đồng đối tác quảng cáo đủ loại, từ nhà sản xuất khoai tây chiên ở Malaysia, một CLB nài ngựa ở Hong Kong tới adidas và Chevrolet.
Sir Alex
Tiền bạc vẫn sẽ tiếp tục đổ vào túi Man United. Riêng hợp đồng với adidas trong 5 năm tới đủ để CLB trang trải toàn bộ chi phí hoạt động của họ trong suốt một mùa bóng, nhưng điều đó sẽ không xảy ra bởi thay vì tái đầu tư cho đội bóng, nhà Glazer chỉ coi Man United là một con bò sữa. Những ông chủ Mỹ có mặt ở Old Trafford không phải để chứng kiến họ giơ cao chiếc cúp Champions League. Với họ đó chỉ là một phần thưởng phụ mà không có cũng không sao. Họ quan tâm trước hết tới dòng tiền, giá chứng khoán và lợi nhuận.
Tất nhiên, những chỉ số đó phụ thuộc không nhỏ vào thành công trên sân. Một hãng lốp xe ở Singapore sẽ không trả cái giá cắt cổ để gắn thương hiệu với một CLB xếp ở giữa bảng xếp hạng Premier League, dù lịch sử của đội bóng đó có hào hùng tới đây. Rốt cuộc, nhà Glazer, lần đầu tiên trong 8 năm sở hữu đội bóng, đã bắt đầu phải lo ngại về thành tích trên sân, và phải móc hầu bao.
Với Sir Alex, Man United không cần đầu tư quá lớn, thậm chí bán đi cả Cristiano Ronaldo, mà vẫn giành về 1 Champions League, 5 Premier League và 3 League Cup trong thời đại Glazer. Những danh hiệu liên tiếp giúp giá trị thương mại của đội bóng tăng vọt. Nhưng Ferguson không phải là một cỗ máy vạn năng, ông không thể làm việc mãi, cũng như không thể để lại một di sản “ngồi không ăn sẵn” cho Moyes hay Van Gaal, khi mà bản thân ông cũng phải xoay xở trong một ngân sách hạn hẹp với những cầu thủ không khác mấy so với những người mà Van Gaal có trước mùa hè này.
HLV Moyes từng mắc kẹt trong một mê cung không lối thoát ở M.U
Trong khi Barcelona có ban tuyển lựa cầu thủ gồm 18 người, Man United dựa cả vào Ferguson, còn Ferguson thì phó thác cho em trai ông Martin (là lý do tại sao họ hay đi tới những hợp đồng như Bebe hay Ashley Young). Không thể nói Ferguson lơ là công việc. Khi trao lại đội bóng cho Moyes, ông hẳn nghĩ mình đã chuẩn bị tốt nhất: một đội hình pha trộn giữa kinh nghiệm và sức trẻ vừa vô địch Anh. Chỉ có điều, ông đã đánh giá quá thấp chính mình. Hóa ra ở Man United, không phải các cầu thủ giành về danh hiệu, mà là Ferguson.
Kết quả là Moyes mắc kẹt trong một mê cung không lối thoát. Rủi ro tụt lại phía sau của Man United chưa phải đã hết sau một mùa hè mua sắm ồn ào. Tiền bạc không phải lúc nào cũng mang lại thành công. Từ Claudio Ranieri tới Mark Hughes, quá nhiều HLV đã thất bại trong việc xây dựng một đội bóng mới chỉ nhờ vào những tấm séc. Bóng đá là ngành kinh doanh, nhưng không phải là khoa học chính xác.
Falcao và Angel Di Maria vẫn có nguy cơ, dù nhỏ, trở thành những chữ ký hớ lớn nhất lịch sử bóng đá. Shaw còn chưa bình phục chấn thương. Rojo vừa xin xong giấy phép lao động. Blind có thể là một Jordi Cruyff, thay vì Frank de Boer, mới. Ander Herrera có thể không hơn gì Fellaini. Nhưng ít ra, Man United, Van Gaal, Woodward và nhất là nhà Glazer, đã chịu hành động.