SỐ 1 SUY YẾU
Trong lịch sử World Cup, châu Âu là số 1 với 10 lần vô địch. Nam Mỹ xếp nhì với 9 lần, ngoài ra không còn khu vực nào khác có đội đăng quang. Tuy nhiên, ở 2 kỳ World Cup gần đây, châu Âu chiếm ưu thế rõ rệt. Ở World Cup gần nhất (2010), châu Âu chiếm trọn podium (1, 2, 3 là TBN, Hà Lan, Đức). Ở cúp thế giới trước đó năm 2006, cả 4 đội vào bán kết đều thuộc châu Âu (Italia, Pháp, Đức, BĐN).
Năm nay, ở World Cup 2014 tại Brazil, châu Âu chỉ có 6 đội góp mặt ở vòng 16 đội, trong khi Nam Mỹ có đến 5 (Brazil, Argentina, Chile, Uruguay, Colombia), CONCACAF xuất sắc có đến 3 đội (Mỹ, Mexico, Costa Rica), châu Phi góp 2 đội (Nigeria, Algeria).
Châu Âu đã suy yếu, bằng chứng là 4 đại gia gồm Italia, TBN, BĐN và Anh đều bị loại ngay sau vòng bảng. Đến giai đoạn knock-out, Hà Lan may mắn vượt qua Mexico nhờ 2 bàn trong những phút chót, trong khi Pháp và Đức vô cùng vất vả mới vượt qua được 2 đại diện đến từ châu Phi. Lý do sân bãi, khí hậu, thời tiết không phải là cách biện hộ logic để cảm thông cho các đội châu Âu. Cách giải thích hợp lý hơn, theo cựu ngôi sao Anh David James (nay là cây bình luận uy tín của tờ Guardian) là “thế giới bóng đá cũng giống thế giới tự nhiên, tức ngày càng “phẳng” hơn, các đội tuyển xích lại gần nhau hơn về mặt trình độ”.
ĐKVĐ Tây Ban Nha phải về nước sớm
TOÀN CẦU HÓA MÔN THỂ THAO VUA
Theo thống kê của FIFA, có khoảng 265 triệu người chơi bóng đá hiện nay, tăng 13% so với cách đây 4 năm. Bóng đá đã là môn thể thao số 1 hành tinh, và với mức độ phát triển mạnh như hiện nay, tình yêu bóng đá (đồng nghĩa với sự hâm mộ và mức độ quảng bá) sẽ ngày càng lớn, cũng tức là sự quan tâm và đầu tư cho môn thể thao này càng được chú trọng hơn.
World Cup 2002 từng chứng kiến những chiến thắng hủy diệt như Đức hạ đội tuyển châu Á Saudi Arabia 8-0. Ở World Cup 2014, Úc (đại diện cho châu Á) đã gây rất nhiều khó khăn cho đương kim á quân thế giới Hà Lan, bị dẫn 0-1, sau đó dẫn ngược 2-1 và chỉ thua sít sao 2-3. Các đội châu Á khác như Nhật và Hàn Quốc đều còn hy vọng đi tiếp ở loạt trận chót.
Châu Á và CONCACAF vốn không có tiềm năng lớn như châu Phi, Nam Mỹ hay châu Âu nhưng đại diện của 2 khu vực kể trên đã thi đấu ngày càng tự tin, hiệu quả. Ví dụ như Costa Rica, xuất sắc đứng đầu bảng (2 thắng, 1 hòa, không thua) trước 3 đội từng vô địch World Cup (Uruguay, Italia, Anh). Đến vòng 1/8, Costa Rica loại tiếp một cựu vô địch Euro (Hy Lạp). Các trận vòng 1/8 tính đến trước loạt trận cuối diễn ra rất căng thẳng, hấp dẫn, kịch tính đúng với sự chờ đợi của giới mộ điệu và ý tưởng của FIFA.
Những cải tiến của FIFA như sự xuất hiện của vòng 16 đội (Mexico 1986) hay tăng số đội lên 32 (World Cup 1998) đã đem lại hiệu quả tích cực, tạo sân chơi cho nhiều đội tuyển có thực lực, có khả năng và tham vọng tiến xa (ví dụ TNK và Hàn Quốc vào bán kết World Cup 2002). Trật tự mới của thế giới là xu thế toàn cầu hóa, cạnh tranh và cùng phát triển giữa các châu lục, không chỉ là 2 “đại gia” Nam Mỹ và châu Âu.
Châu Á vẫn giàu tiềm năng
Theo David James, châu Á rất có triển vọng để vươn lên trên đấu trường World Cup trong tương lai. Trong hơn 20 năm qua, bóng đá châu Á đã có sự tiến bộ vượt bậc về thành tích ở đấu trường World Cup. Tại World Cup 1990, các đại diện châu Á toàn thua tại vòng bảng. Nhưng tại 2 VCK gần đây, đã có 2 đại diện châu Á vượt qua vòng bảng (Nhật và Hàn Quốc tại World Cup 2010).