Từ Buenos Aires đến Rosario, bạn sẽ dễ dàng nghe được lý do vì sao người Argentina không thích Messi. Messi rời Argentina quá sớm, anh không trưởng thành từ lò đào tạo của một CLB trong nước, chưa từng xuất hiện ở giải vô địch Argentina. Suốt một thời gian dài anh không hát quốc ca. Ngay cả tính cách, Messi cũng tẻ nhạt, không gây tranh luận giống như Diego Maradona và Carlos Tevez, những người từ nghèo khó vươn lên để trở thành thần tượng của giới trẻ.
Nếu không có thổ âm Rosario (âm “y” ở Rosario đọc thành âm “sh”) thì không có bất kỳ thứ gì liên hệ Messi với Argentina. Nhà báo Martin Mazur từng nói: “Nếu không nói chuyện bằng thổ âm Rosario, có lẽ người Argentina đã giết Messi rồi”.
Messi càng thành công ở Barcelona bao nhiêu, hố sâu ngăn cách giữa anh và đồng bào Argentina càng lớn bấy nhiêu. World Cup 2010 kết thúc, người ta vẽ bậy lên tường nhà Messi ở Rosario. Họ dè bỉu những người thân của anh dù người phải chịu nhiều trách nhiệm nhất cho thất bại của đội tuyển Argentina tại Nam Phi phải là Diego Maradona, trên vai trò HLV. Nhà báo, nhà văn lừng danh của Argentina Martin Caparros từng nhận định: “Maradona có một cái sướng là anh ta không bị so sánh với ai cả. Còn Messi thì lúc nào cũng bị đặt trong tương quan so sánh với Maradona”.
Trong 4 năm mà Messi giành Quả bóng vàng, có đến 3 lần người ta gạch tên Messi ra khỏi cuộc bầu chọn VĐV tiêu biểu trong năm. Với dân Argentina, Messi gần như một người ngoại quốc. Nhưng ngay cả những cầu thủ nhập tịch cũng không phải hứng chịu sự bất công như thế. Mọi thứ chỉ dần dần thay đổi khi HLV Alejandro Sabella xuất hiện, xây dựng một lối chơi quanh Messi và trao băng thủ quân cho anh. Messi ghi bàn nhiều hơn, tạo ra nhiều pha bóng đẹp hơn, gần giống với phiên bản Messi ở Barcelona hơn.
Nhưng như vậy vẫn là chưa đủ. Chừng nào Messi chưa thể mang về một danh hiệu lớn cùng Argentina, chừng ấy anh vẫn chưa thể thay đổi cách nhìn của đồng hương về mình. Đấy quả là mâu thuẫn hết sức kỳ lạ. Một vĩ nhân trên toàn cầu, nhưng lại là kẻ bị hoài nghi trong cộng đồng của mình.
Ở tuổi 26, Messi đã là một huyền thoại bất tử. Hai cầu thủ Leverkusen đã phải choảng nhau để có được chiếc áo của Messi làm kỷ niệm trong một trận đấu Champions League mà anh ghi đến 5 bàn. Sau trận chung kết Champions League 2011, Sir Alex Ferguson khả kính đã phải vào sân và bắt tay anh. Sau khi kết thúc trận đấu cuối cùng của mình trên cương vị HLV Barcelona, Pep Guardiola đã đến ôm Messi thật chặt và nói: “Cám ơn cậu vì tất cả”.
Khi cầu thủ Argentina và Trinidad & Tobago tiến hành bắt tay thủ tục trước một trận giao hữu gần đây, cầu thủ mang áo số 7 của Trinidad không bắt tay Messi, anh cúi gập người xuống như một quần thần đứng trước vị Vua. Trong cuốn sách về Messi do nhà báo Guillem Balague thực hiện, HLV đội tuyển Argentina, Alejandro Sabella là người viết lời tựa, trong đó ông gọi Messi là “cầu thủ hay nhất qua mọi thời đại”.
Hay nhất qua mọi thời đại, nhưng lại tầm thường tại Argentina. Nếu như chiếc áo số 10 luôn là một gánh nặng thì bây giờ nó phải được cộng thêm vài tấn của sự kỳ vọng, vài tấn của những hoài nghi. Argentina vào chung kết, Messi sẽ xóa bỏ những ác cảm dành cho anh. Còn nếu thất bại, Messi sẽ biết thế nào là bất hạnh. Số phận của chàng trai này đặt cả vào bàn tay của Chúa!