Xứ sương mù được coi là quê hương của bóng đá. Tuy nhiên, tính tới trước năm 1966, thành tích của ĐT Anh ở các kỳ World Cup là không mấy ấn tượng. Trong khi Italia đã 2 lần VĐTG các năm 1934, 1938, Tây Đức cũng lên ngôi năm 1954, thì thành tích tốt nhất của Tam sư ở các kỳ World Cup tính tới trước năm 1966 mới là vào đến tứ kết. Bởi vậy, người Anh đặt mục tiêu rất cao ở World Cup 1966 được tổ chức trên quê nhà.
Trong trận đấu đầu tiên ở vòng bảng, đội quân của HLV Alf Ramsey đã để Uruguay cầm hòa 0-0. Tuy nhiên, kể từ sau trận đấu đó, Tam sư chơi bùng nổ với các chiến thắng 2-0 trước Mexico và Pháp để kết thúc vòng bảng với vị trí dẫn đầu Bảng 1. Vào đến tứ kết, tuyển Anh tiếp tục gây ấn tượng khi hạ Argentina 1-0. Tại bán kết, Tam sư đối đầu với hiện tượng của kỳ World Cup 1966, ĐT Bồ Đào Nha. Tuy nhiên, sự xuất sắc của Eusebio cũng không ngăn cản được Tam sư giành vé vào chung kết.
Cuộc đối đầu giữa Anh và Tây Đức được coi là trận chung kết World Cup 1966 trong mơ với những người châu Âu. Ngay phút 12, Helmut Haller đã dội gáo nước lạnh vào đội chủ nhà khi ghi bàn mở tỷ số cho Tây Đức. Thế nhưng chỉ 6 phút sau, Hurst đã đưa trận đấu về vạch xuất phát. Kịch tính được đẩy cao trong 15 phút cuối. Phút 78, Peters ghi bàn giúp Anh vượt lên dẫn trước 2-1. Tuy nhiên, một lần nữa người Đức thể hiện được bản lĩnh và cái đầu lạnh. Phút 89, Weber gỡ hòa 2-2, buộc trận đấu phải giải quyết thắng thua trong hiệp phụ.
Tại đây, bàn thắng gây tranh cãi nhất trong lịch sử các kỳ World Cup đã được Hurst ghi ở phút 101. Phải 40 năm sau, người ta mới chứng minh được bóng từ cú sút của Hurst sau khi dội xà ngang chạm xuống đất chưa hề đi qua vạch vôi. Dù vậy, lịch sử vẫn là lịch sử và người Anh vẫn giành chức vô địch World Cup lần đầu tiên một cách đầy điên rồ. Đây cũng là giải đấu mà Tam sư giới thiệu được một loạt gương mặt tài năng như Geoff Hurst, Bobby Moore… Tuy nhiên, đến nay thì đây vẫn là lần duy nhất tuyển Anh đứng trên đỉnh thế giới.