1. Brazil không còn nghệ sỹ sân cỏ. Điều đó không chỉ tới trận thua ê chề 1-7 trước Đức người ta mới nhận ra, mà sự thực rằng đã từ lâu, Brazil không còn sản sinh ra những cầu thủ vĩ đại. Thậm chí xem trận Brazil - Colombia ở tứ kết, các nghệ sỹ lại là đội khách. Một Brazil bốc lửa, quyến rũ, mê đắm lòng người cuối cùng chính là tại World Cup 2002 với những Rivaldo, Ronaldo và Ronaldinho.
2. Bóng đá cấp ĐTQG vẫn luôn là đỉnh cao. Dù Premier League được xem là giải VĐQG hấp dẫn nhất hành tinh nhưng khi chứng kiến NHM khắp thế giới phát cuồng vì Colombia hay Costa Rica tại World Cup 2014, các đội bóng Premier League sẽ phải chạnh lòng. Cúp Thế giới là đỉnh cao, khác biệt ở chỗ đó. Và nếu như Argentina vô địch World Cup năm nay, thì những đóng góp của Lionel Messi cho Albiceleste có giá trị vượt xa các danh hiệu anh đạt được cùng Barcelona.
3. Đam mê phải đi cùng chiến thuật. Nếu không có đam mê, Luis Suarez không thể ghi được cú đúp vào lưới tuyển Anh. Nhưng nếu không có chiến thuật, Costa Rica cũng chẳng thể vào được tới tứ kết. Vì thế, mỗi một trận đấu rất cần cả hai thứ xúc tác này. Cả đất nước Brazil say mê bóng đá. Nhưng những nhà quản lý tại đây lại thiếu tầm nhìn, sự chuẩn bị kỹ càng và chiến thuật khiến đã Selecao thua trong bẽ bàng, tủi nhục.
4. Bóng đá tấn công vẫn luôn hiện hữu. Dù trận bán kết giữa Argentina và Hà Lan không cống hiến một thứ bóng đá tấn công mê hoặc nhưng trước đó, người ta đã thấy thấp thoáng một Barcelona, Dortmund trong lối chơi của Chile hay Colombia. Rất nhiều đội bóng ở World Cup năm nay chọn tấn công làm điều kiện sống còn như Pháp, Đức, Hà Lan…
5. Tuyển Anh vẫn rất... tiềm năng. ĐT Anh thực ra không tệ như kết quả thi đấu của họ tại giải đấu năm nay, Tam sư có nhiều tài năng trẻ và đang chơi bóng cho những CLB hàng đầu Premier League. Vấn đề ở đây là họ còn quá non kinh nghiệm, còn thiếu những kỹ năng vượt qua áp lực quá lớn ở World Cup như các đội tuyển mạnh khác.
6. FIFA đang chịu áp lực cải tổ, bởi không cần chờ tới World Cup 2014 mới thấy rõ sự đổ vỡ của mô hình quản trị của FIFA. Nó giống như mô hình của thế kỷ 20, quản lý theo kiểu gia đình. Áp lực của sự thay đổi có thể sẽ bắt buộc FIFA phải tiến hành cải cách (công nghệ Goal-line là một nhượng bộ). Vào năm tới chủ tịch Sepp Blatter sẽ đối diện với cuộc tái bầu cử khá khó khăn, ông có thể sẽ mất chức nếu tiếp tục bảo thủ…
7. Brazil không nên tổ chức World Cup. Dù người dân Brazil hiếu khách, cuồng nhiệt và đam mê bóng đá nhưng sự chênh lệch giữa đói nghèo với hàng tỉ USD tổ chức World Cup đã khiến nước chủ nhà chịu áp lực quá lớn. Có quá nhiều cuộc đình công, tai nạn và sự cố xung quanh việc chuẩn bị cho World Cup, khiến người ta phải thốt lên: Đáng ra Brazil không nên tổ chức Cúp thế giới.
8. Louis Van Gaal là kẻ điên rồ thú vị. Ông không chỉ “điên rồ” trong việc tung thủ môn dự bị Tim Krul vào sân trong trận gặp Costa Rica chỉ để bắt phạt đền, mà còn để lại dấu ấn khi chọn Ron Vlaar là cầu thủ đầu tiên đá penalty ở trận bán kết với Argentina. Nhưng bóng đá là thế. Một thiên tài vẫn có thể mắc những sai lầm không thể sửa chữa. Và Van Gaal đã mang đến cho NHM mọi cung bậc của cảm xúc.
9. Bóng đá không chỉ có châu Âu, mà còn được mở rộng bên ngoài lãnh thổ lục địa già. Có nhiều chiến lược gia xuất sắc bên ngoài châu Âu như Jorge Luis Pinto (người Colombia, tuyển Costa Rica), Jose Perkeman (Argentina, Colombia) và Jorge Sampaoli (Argentina, Chile)…. Ngay cả bên trong châu Âu, vẫn có những cầu thủ giỏi không thuộc Premier League hay Champions League, mà James Rodriguez là ví dụ điển hình.
10. Người Đức thức thời. Sau thất bại tại EURO 2000, họ đầu tư không ngừng vào bóng đá trẻ, xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp với Bundesliga. Nhờ đó, giải VĐQG Đức trở thành lò sản sinh ra rất nhiều cầu thủ xuất sắc và giờ đây là một tuyển Đức chỉ còn cách chức VĐTG đúng một chiến thắng. Người Đức có tất cả sau những gì họ dày công gây dựng.